Trường học Hà Nội lên phương án đón học sinh trở lại: 5K và vắc-xin mới đủ yên tâm

GD&TĐ - Các trường học đều xây dựng cho mình phương án khác nhau để có thể sẵn sàng đón học sinh trở lại bất cứ lức nào, trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cho học sinh là ưu tiên hàng đầu.

Công tác vệ sinh, khử khuẩn được các nhà trường duy trì thường xuyên trong thời gian dạy – học trực tuyến.
Công tác vệ sinh, khử khuẩn được các nhà trường duy trì thường xuyên trong thời gian dạy – học trực tuyến.

Chủ động tâm thế

Cô Hoàng Ngọc Lan – Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: Nhà trường đã xây dựng các phương án dự phòng khác nhau nếu thành phố cho phép học sinh đi học lại. Cụ thể, ngoài việc tiến hành vệ sinh khử khuẩn hệ thống cơ sở vật chất, nhà trường cũng chủ động lên phương án ứng phó nếu phát sinh ca mắc mới và khu vực bị phong tỏa.

Hiện tại, công tác dạy – học trực tuyến vẫn được các lớp duy trì một cách linh hoạt theo các hướng dẫn từ phòng GD&ĐT cũng như của thành phố. Việc dạy và học theo chương trình, SGK mới của giáo viên khối 6  không gặp nhiều khó khăn. Các thầy cô đã được tập huấn kỹ và thường xuyên họp nhóm chuyên môn để trao đổi nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gặp phải.

Tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), thời gian qua dù học sinh ở nhà học trực tuyến hoặc qua truyền hình nhưng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vẫn tới trường để thực hiện công tác vệ sinh, khử khuẩn định kỳ hàng tuần.

Theo cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền – Hiệu trưởng nhà trường, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều phức tạp như hiện nay, công tác vệ sinh khử khuẩn trường lớp, bàn ghế, hành lang, chuẩn bị sẵn sàng dung dịch sát khuẩn, khẩu trang hay máy đo thân nhiệt được nhà trường xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Khi thành phố cho phép, nhà trường đón học sinh trở lại, đảm bảo giãn cách cùng các yêu cầu về phòng dịch.

Là trường thuộc vùng xanh của thành phố, thầy Đinh Hồng Trường – Hiệu trưởng Trường PTCS Hợp Nhất (Ba Vì, Hà Nội) nhấn mạnh: “Bên cạnh việc khử khuẩn toàn bộ trường lớp, chúng tôi chủ động rà soát lại cơ sở vật chất; sửa chữa, bổ sung trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác dạy và học, đặc biệt là hệ thống điện; chỉnh trang lại cảnh quan trường lớp và tăng cường dung dịch sát khuẩn ở sân trường để học sinh có thể sử dụng khi đến trường”.

Việc duy trì các biện pháp 5K cộng với tiêm chủng được kỳ vọng sẽ tạo ra miễn dịch cần thiết để phòng dịch với học sinh trung học.
Việc duy trì các biện pháp 5K cộng với tiêm chủng được kỳ vọng sẽ tạo ra miễn dịch cần thiết để phòng dịch với học sinh trung học.  

Mong sớm có vắc-xin cho học trò

Sự chủ động phương án của các trường được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn Nhà nước sẽ sớm cho học sinh trung học được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trước khi đi học.

Anh Lê Đình Sơn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ: “Tôi có hai cháu đang học lớp 11 và lớp 8. Bố mẹ đã được tiêm vắc-xin mũi 1 trước ngày 15/9 theo chương trình của thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước và thành phố  sớm có phương án cho các cháu học sinh từ 12 - 18 tuổi được tiêm vắc-xin trước khi đi học. Nếu kéo dài việc học sinh phải học trực tuyến tại nhà, hiệu quả không thể bằng học trực tiếp trên lớp”.

Tương tự, chị Chu Thị Thu, quận Bắc Từ Liêm cũng cho rằng: Tiêm vắc-xin cho học sinh trung học là điều cần thiết vào lúc này. Chị hi vọng trong thời gian sớm nhất, khi Bộ Y tế nghiên cứu đồng thời nhận được đủ số lượng vắc-xin về sẽ phân bổ về các địa phương, trong đó có Hà Nội để tiêm cho các em trong thời gian sớm nhất.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: 100% trường trên địa bàn quận đã lập kế hoạch, xây dựng phương án để đón học sinh trở lại. Phòng vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Sở GD&ĐT cũng như UBND thành phố trong việc ấn định thời gian dự kiến cho học sinh đi học lại.

“Chúng tôi vẫn quán triệt các trường khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo hình thức để duy trì công tác dạy học trực tuyến sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, công tác vệ sinh, khử khuẩn được duy trì định kỳ và theo hướng dẫn của ngành y tế”, bà Hằng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ