Không ít trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sắp xếp vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập.
Khó chồng khó
Cà Mau có 418 trường công lập. Qua rà soát, bậc học mầm non định mức số người làm việc theo Thông tư 19 là hơn 2.570 người; biên chế hiện có so với Thông tư thiếu gần 440 người; số lượng người làm việc được giao thiếu hơn 240 người.
Ở cấp tiểu học, định mức số lượng người làm việc được giao theo Thông tư 20 là hơn 7.250 người; số biên chế có so với Thông tư còn thiếu gần 840 người; người làm việc được giao thiếu gần 470 người. Với cấp THCS, định mức số lượng người làm việc được giao theo Thông tư 20 gần 4.180 người; biên chế hiện có so với Thông tư thiếu gần 370 người; số lượng người làm việc được giao thiếu gần 200 người.
Các đơn vị, trường học trực thuộc sở GD&ĐT, định mức số lượng người làm việc được giao theo Thông tư 20 là gần 2.700 người; biên chế có so với Thông tư 20 thiếu gần 350 người; số lượng người làm việc thiếu hơn 200 người.
Cô Phan Thị Thảo Nguyên - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) cho biết, theo quy định, đối với lớp có từ 15 trẻ trở lên được bố trí 2,5 giáo viên/nhóm trẻ. Nhưng hiện định biên của trường mới dừng lại ở 2 giáo viên/lớp. Dù thiếu 3 người nhưng không tuyển được do không ai chịu về vùng sâu, xa công tác. Việc tổ chức lớp học vì thế không thuận lợi.
“Theo Thông tư 19, lớp lá là 16 trẻ nhưng ở trường lên tới 23 em. Nếu chia ra 2 lớp thì không đủ số trẻ/lớp, giữ nguyên thì lại thừa so với quy định. Do thiếu giáo viên nên trường phải ghép trẻ lớp mầm và chồi, nâng tổng số lên 32 em, vượt so với quy định”, cô Nguyên nói.
Tương tự, Trường Tiểu học 2 Khánh Bình Tây (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) có 1 điểm chính, 1 điểm lẻ, 13 lớp, với gần 360 học sinh. Thầy Hiệu trưởng Huỳnh Văn Mến thông tin, so với biên chế được giao trường còn thiếu 3 vị trí. Theo quy định, đối với vùng 1 là 25 học sinh/lớp nhưng trường vẫn có lớp trên 35 em.
“Điểm lẻ nằm cách xa trường chính nên việc tách, ghép lớp để đảm bảo số lượng học sinh/lớp theo quy định rất khó. Quy định về số lượng bình quân học sinh/lớp để tính định mức giáo viên chung cho nhà trường chưa phù hợp thực tế của từng khối lớp khi phân chia”, thầy Mến nói.
Ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho hay, qua rà soát, việc bố trí số học sinh/lớp tại các huyện, xã (đặc biệt điểm trường lẻ) thấp hơn so với bình quân quy định tại Thông tư số 20. Nguyên nhân do Cà Mau là vùng sông nước, có nhiều điểm trường lẻ.
Mặt khác, hầu hết phòng học cấp tiểu học có diện tích bình quân 45m2 (điều kiện đạt chuẩn quốc gia bình quân khoảng 33 học sinh/lớp). Diện tích phòng học cấp THCS, THPT bình quân 55m2 (điều kiện chuẩn quốc gia 37 học sinh/lớp). Số chỗ ngồi trong lớp học có thể bố trí tối đa 40 học sinh, việc bố trí 45 học sinh/lớp cấp THCS, THPT thuộc vùng 3 theo quy định là rất khó.
“Một số nơi kê thêm bàn ghế để đủ số lượng, song do phòng học nhỏ, bàn ghế kê nhiều sát bục giảng, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh và chất lượng giáo dục”, ông Dự phân tích đồng thời chia sẻ thêm, theo quy định khoản 3, Điều 3, Thông tư 20:
“Việc xác định số lượng học sinh/lớp được tính cụ thể theo từng cơ sở giáo dục, không theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh”. Đối chiếu thực tế các cơ sở giáo dục chưa phù hợp, vì khi chia lớp, trường căn cứ số học sinh từng khối, không thể chia lớp theo số học sinh của trường, càng không thể ghép học sinh sau khi chia bình quân còn dư của mỗi khối lớp để ghép thành một lớp.
Theo quy định Chương trình GDPT 2018, cấp THPT gồm các môn học bắt buộc và môn lựa chọn. Các trường xây dựng tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập, học sinh đăng ký theo nguyện vọng của mình. Do đó, biên chế số học sinh//lớp cấp THPT dựa theo tổ hợp môn mà trò đăng ký/khối lớp. Dù không đủ 45 học sinh/lớp vẫn phải bố trí 1 lớp và đủ giáo viên môn học để đảm bảo giảng dạy.
Đối với những trường thuộc khu vực 1, nếu bố trí học sinh/lớp theo Thông tư 20 (bình quân 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông) dẫn đến tăng số lớp, thiếu phòng học, thiếu giáo viên. Ngoài ra, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm theo Thông tư 19 và 20 đang gặp khó khăn do biên chế lớp của năm học 2023 – 2024 đã ổn định, dẫn đến lệch số lớp, biên chế so với hiện tại, ông Dự chia sẻ thêm.
Ban Văn hoá xã hội, HĐND tỉnh Cà Mau làm việc tại huyện Năm Căn về tình hình thực hiện Thông tư 19 và 20. Ảnh: TG |
Gỡ khó cách nào?
Để tháo gỡ khó khăn cho các điểm trường khi thực hiện Thông tư 19, 20 của Bộ GD&ĐT, Sở GĐ&ĐT tỉnh Cà Mau đã đề xuất nhiều giải pháp với UBND tỉnh.
Theo đó, đối với các điểm trường lẻ mỗi khối chỉ có 1 lớp, đề xuất bố trí lớp theo số học sinh thực tế (trường hợp không thể ghép lớp hoặc xóa điểm lẻ). Những trường có cơ sở vật chất không đảm bảo diện tích phòng học, không thể chia lớp để đủ số lượng học sinh/lớp theo quy định vùng của Thông tư 20 thì cho phép chia theo diện tích phòng học tối đa phù hợp thực tế các cơ sở giáo dục.
Xem xét bố trí học sinh/lớp tại các cơ sở giáo dục thuộc trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 4, Điều 3, Thông tư 20 được bố trí số lượng học sinh/lớp thấp hoặc cao hơn so với mức bình quân theo vùng quy định tại Thông tư 20.
“Qua tổng hợp, tỉnh Cà Mau có 310/481 trường đã thực hiện sắp xếp theo quy định các thông tư. 171 trường còn lại đang gặp khó khăn nên đề xuất đưa vào trường hợp đặc biệt. Trong đó, có 14 trường đề xuất bình quân học sinh/lớp cao hơn định mức và 157 trường đề xuất học sinh/lớp thấp hơn định mức.
Việc đề xuất bố trí số học sinh/lớp thuộc trường hợp đặc biệt thấp hoặc cao hơn định mức vùng theo quy định tại Thông tư 20 trên cơ sở không làm tăng thêm định mức biên chế giáo viên”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau nhấn mạnh.
Trước khó khăn của các trường trong thực hiện Thông tư 19 và 20, UBND tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc với ngành Giáo dục. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân chỉ đạo: Phòng GD&ĐT, UBND các huyện, TP Cà Mau rà soát, thống kê số lượng học sinh, lớp học, giáo viên, nhân viên; đối chiếu, quy đổi thông tư cũ sang thông tư mới.
Song song đó, tính toán sĩ số học sinh, lớp học đặc thù cao hoặc thấp hơn so với Thông tư số 19 và 20, có giải trình Sở Nội vụ để hoàn chỉnh đề án vị trí việc làm. Biên chế giáo viên, nhân viên đã giao cho các huyện nhưng chưa tuyển thì tính toán linh hoạt. Các trường học thực hiện theo 2 thông tư mới phải sắp xếp giáo viên công tâm, khách quan, minh bạch.
Thông tư 19 hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (gọi tắt Thông tư 19). Thông tư 20 hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo định danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập (gọi tắt là Thông tư 20) có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2023.