Trường học đô thị - dùng dằng giữa qui định và thực tế: Điểm nóng về trường lớp

Trường học đô thị - dùng dằng giữa qui định và thực tế: Điểm nóng về trường lớp

Điều này đặt ra bài toán cho đô thị lớn trong việc bảo đảm quỹ đất cũng như ngân sách để xây dựng trường lớp hay cho phép nâng tầng với trường không có quỹ đất.

Trường trên... bản vẽ

Phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có tốc độ phát triển đô thị hoá chóng mặt với sự xuất hiện 82 tòa chung cư, 76 tòa có dân vào ở. Hàng loạt khu đô thị mới xây san sát trên địa bàn Hoàng Liệt như khu Tây Nam Linh Đàm; Pháp Vân - Tứ Hiệp, dù đã đưa vào sử dụng với hàng nghìn căn hộ nhưng đến nay chưa có chủ đầu tư nào xây trường học.

Tính riêng khu chung cư HH Tây Nam Linh Đàm có 12 tòa cao từ 36 - 45 tầng với khoảng hơn 10.000 căn hộ và hàng vạn người sinh sống nhưng không có trường học nào được xây dựng. Khu đất quy hoạch trường học, hạ tầng thành bãi xe lậu gây bức xúc, gây khó khăn trong việc quản lí.

Theo kết quả giám sát mới đây của HĐND TP Hà Nội, TP có 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội; 11 dự án nhà tái định cư có quyết định chủ trương đầu tư xây dựng. Trong số này, nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường phổ thông nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm so với tiến độ xây dựng nhà ở.

Một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, đặc biệt là các quận trung tâm được chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp. Họ chậm triển khai trong khi các chủ dự án thờ ơ, không đôn đốc.

Cụ thể, khu đô thị Tây Nam Linh Đàm quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới có 1 công trình trường tiểu học hoàn thành, đưa vào sử dụng. Còn 5 ô đất khác đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp nhưng chưa xây dựng công trình, hoặc đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch hay vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp quy hoạch 6 lô đất xây dựng trường học, gồm 3 lô đất cho trường mầm non, 1 lô cho trường tiểu học, 1 lô xây trường THCS, 1 lô xây trường THPT. Tuy nhiên, mới chỉ có 1 lô đất đã hoàn thành xây dựng trường mầm non.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này được các chuyên gia phân tích do các công trình nhà ở xã hội ít thu được lợi nhuận nên chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc quy hoạch được phê duyệt.

Theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội, thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ có trường học. Tuy nhiên, khi thực hiện các chủ dự án đã lờ đi những tiêu chuẩn, quy chuẩn này đi và tập trung vào bất động sản. Thậm chí, có những khu đô thị vẽ ra trường học nhưng ngay dân cư ở đó cũng không đủ tiền vào học.

Tại TPHCM, tình trạng xây dựng chung cư nhưng “né” công trình phụ trợ tương đối phổ biến. Bởi vậy, việc bảo đảm chỗ học cho học sinh ở các khu chung cư cao tầng lâu nay… chỉ trông chờ vào các trường công lập và một số cơ sở ngoài công lập.

Chị Hoài An, ngụ tại khu chung cư phường Linh Đông (quận Thủ Đức) chia sẻ: Khu nhà có 4 block với khoảng 1.400 hộ dân đưa vào sử dụng 5 năm nay nhưng chỉ có 1 trường mầm non quy mô khoảng 100 trẻ nên phụ huynh muốn cho con theo học mầm non phải… đặt chỗ trước. “Dân chung cư đa phần gia đình trẻ, có một đến hai con, nhu cầu gửi con rất cao, nhưng trường quy mô nhỏ nên cũng vất vả trong việc tìm chỗ học. Với trẻ mầm non, việc di chuyển đưa các con đi học xa là điều không ai muốn”, chị An nói.

Tương tự, khu chung cư Đạt Gia (quận Thủ Đức) với 2 block cao 21 tầng cho khoảng 1.000 hộ dân sinh sống nhưng không có trường mầm non đi kèm. Cư dân phải cho trẻ học các trường ngoài công lập lân cận. Bởi trên địa bàn phường chỉ có một trường mầm non công lập, do số học sinh tăng nhanh, trường chỉ bảo đảm chỗ học cho trẻ lớp Lá, còn các lớp khác phải xét hộ khẩu rồi mới tới tạm trú KT3.

Thậm chí có nơi, trường mầm non đi vào hoạt động nhưng phải ngừng do sử dụng sai công năng, sử dụng hầm xe của cư dân để làm trường học. Đó là trường hợp của Trường Mầm non Hoàng Lam tại dự án khu chung cư CC1 - khu 2 (xã An Phú Tây, huyện Bình), bị rút giấy phép hoạt động do hoạt động sai công năng…

Trường học đô thị - dùng dằng giữa qui định và thực tế: Điểm nóng về trường lớp ảnh 1
Nhiều trường tiểu học tại các quận, huyện có tốc độ tăng dân số nhanh tại TPHCM gặp khó khăn về áp lực sĩ số, dạy học 2 buổi/ngày khi triển khai Chương trình mới .

Thiếu hàng nghìn phòng học

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, tính đến tháng 9/2019, thành phố đạt tỷ lệ 278 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (3 - 18 tuổi). Theo tính toán, TP thiếu hơn 7.000 phòng học, nếu thực hiện các giải pháp tăng quỹ đất giáo dục thêm 1.004 ha và đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông sẽ đạt chỉ tiêu đến cuối năm 2020 có 300 phòng học/10.000 dân theo Nghị quyết ĐH Đảng bộ TPHCM lần thứ X.

Tuy nhiên, trên thực tế, với tốc độ gia tăng dân số cơ học kéo theo lượng HS tăng hằng năm, TP gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm cơ sở vật chất, sĩ số HS cao, tỷ lệ học 2 buổi/ngày nhất là ở các quận, huyện có tốc độ tăng dân số nhanh như quận 7, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn.

Năm học 2020 - 2021, quận 12 dự kiến xây bổ sung 189 phòng học. Tuy nhiên, trong năm học tới quận không có dự án mới nào của trường tiểu học đưa vào sử dụng. Đây là lý do khiến tỷ lệ học 2 buổi/ngày toàn quận chỉ mới đạt hơn 20%. Khi áp dụng Chương trình mới, quận tính đến phương án cho học sinh học 6 buổi/tuần, tăng sĩ số các lớp khoảng 40 - 45 em mới bảo đảm việc dạy học.

Theo Sở GD&ĐT, khó khăn chính là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Trong giai đoạn 2012 - 2019, có 19 dự án chậm triển khai khởi công với tổng vốn đầu tư 1.532 tỉ đồng. Ngoài ra, việc giải ngân tính đến 25/8/2019 đối với lĩnh vực giáo dục mới đạt 57,07%. Trong danh sách giải ngân của các quận huyện, đáng chú ý quận 11 chỉ đạt 4,83%, quận Phú Nhuận đạt 27,49%, quận 10 đạt 27,79%...

Trường học đô thị - dùng dằng giữa qui định và thực tế: Điểm nóng về trường lớp ảnh 2
Trường Tiểu học Phạm Văn Chính (quận 9, TPHCM) được xây dựng mới và đưa vào sử dụng trong năm học 2019 - 2020 với mức vốn đầu tư khoảng 70 tỉ đồng.

Loay loay tìm giải pháp

Để giải quyết tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị, bên cạnh chế tài đủ mạnh của Nhà nước đối với các chủ đầu tư còn cần sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương. Bởi pháp luật hiện hành quy định đầy đủ và bắt buộc về quỹ đất để phát triển các cơ sở giáo dục khi quy hoạch các khu công nghiệp, đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai chưa đầy đủ và đồng bộ.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa Xã hội (HĐND TP Hà Nội), thành phố cần thu hồi dự án với nhà đầu tư cố tình trì hoãn, chậm trễ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng công trình phụ trợ và bàn giao cho UBND quận, huyện để thực hiện các phương án xây dựng trường học. Cần cân đối hợp lí việc xây dựng trường công và trường tư thục tại các dự án khu đô thị, đặc biệt tại các quận đang thiếu trường, lớp học.

Sở Kế hoạch - Đầu tư cần chủ trì phối hợp với các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố, chỉ rõ khu đô thị đã xây dựng trường học, nơi chưa để đưa ra giải pháp xử lí.

Tại TPHCM, một trong những giải pháp được đưa ra là nâng tầng đối với các trường học nội thành. Ông Đỗ Minh Hoàng, nguyên Chánh văn phòng Sở GD&ĐT chia sẻ: Nhiều năm qua, sở đề xuất xin nâng tầng các trường học ở khu vực nội thành do hạn hẹp về quỹ đất nhưng vướng quy định của Bộ Xây dựng (trường tiểu học không được phép xây quá 3 tầng, trung học không quá 4 tầng).

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, đó chưa phải là giải pháp bền vững bởi khi nâng tầng các trường nội thành cần phải tính toán với trường với quy mô nhỏ, nâng tầng lên, học sinh đông sẽ thiếu sân chơi cho các em. Việc tìm quỹ đất để xây dựng thêm trường học mới bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT mới là vấn đề cốt lõi, trong đó có quy hoạch về khu thể thao, căng tin, bếp ăn, sân chơi…

Trường có gần 2.400 học sinh/50 lớp, sĩ số khoảng 48 em/lớp. Thực hiện Chương trình mới, để bảo đảm sĩ số 35 em/lớp theo quy định phải có thêm phòng học nhưng đây là bài toán khó. Vì vậy, cho phép nâng tầng trường học nội thành là giải pháp hợp lý trong bối cảnh đô thị hoá nhanh, quỹ đất cho GD càng hạn hẹp. - Thầy Đỗ Thế Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.