Trường học di động trên container

Trường học di động trên container

(GD&TĐ) - Với học sinh nông thôn, nhất là các địa bàn vùng sâu ở đồng bằng sông Cửu Long, việc học Tin học ở trường khá khó khăn do cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Còn nếu đến các trung tâm Tin học thì phải ra thị trấn cách hàng chục cây số. Trong những ngày hè này, tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, có một lớp học di động đi vào địa bàn nông thôn xóa mù Tin học cho học sinh.

Ý tưởng lạ

Bà Trần Mỹ Lệ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vũng Liêm cho biết, ngày 19.5.2011, huyện nhận được Công văn 1305/UBT của tỉnh, tiếp nhận đầu tư của tổ chức phi chính phủ Dariu, Thụy Sĩ, tài trợ cho những xã nông thôn vùng sâu. Trong đó có ý tưởng về lớp học di động tổ chức trong một xe container, dạy xoá mù tin học cho học sinh vùng sâu. Lớp học này có kinh phí 1,1 tỉ đồng. Trong container trang bị 19 máy vi tính, trong đó có một máy chủ dành cho giáo viên. 18 bộ bàn học sinh và một bàn giáo viên. Trong xe có lắp máy lạnh.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Dariu tại Việt Nam, cho biết học tin học vẫn là một đầu tư đắt đỏ cho hầu hết các em học sinh, đặc biệt là các em thuộc khu vực nông thôn và trong nhóm các hộ gia đình có thu nhập thấp. Tại nhiều trường, vẫn không có máy tính cho học sinh học những kỹ năng sử dụng căn bản và việc thực hành thì càng không thể. Vì vậy, khoảng cách về kỹ năng tin học và sử dụng internet giữa trẻ em thuộc khu vực thành thị và nông thôn đang ngày càng bị nới rộng. Từ đó, Quỹ nảy sinh ý tưởng mở lớp học di động cho học sinh vùng sâu.

Lớp học di đông tại Trường tiểu học Trung Thành A, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long
Lớp học di đông tại Trường tiểu học Trung Thành A, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long

Về chương trình, đối tác thông qua phòng GD&ĐT, rà soát lại cho phù hợp với chương trình tin học của Bộ GD&ĐT đối với học sinh phổ thông. Chương trình bao gồm: Windows, Word, Excel, cách sử dụng Internet căn bản, ôn tập củng cố và thi. Giáo viên đứng lớp do Phòng GD&ĐT tuyển chọn từ các trường THCS, gởi đi tập huấn. Lương do nhà tài trợ trả.

Kết cấu chương trình có 72 tiết. Cô Mỹ Lệ cho biết: “Chương trình tương đương với trình độ A tin học. Mục đích của chương trình là phổ cập tin học, tăng cường ứng dụng CNTT trong học tập để học sinh sau này vào CĐ, ĐH không bị hụt hẫng so với học sinh đô thị. Nhưng phòng chỉ cấp giấy chứng nhận học hết lớp chớ không cấp bằng. Nếu các em muốn có bằng thì phải đăng ký thi tại các Trung tâm dạy nghề”.

Mỗi lớp học có 18 học sinh, mỗi ngày học 2 tiết, mỗi tuần 3 buổi: thứ hai, thứ tư, thứ sáu hoặc ba, năm, bảy. Mỗi buổi lớp học được 2 ca, một ngày 4 ca. Như vậy, lớp học tổ chức 8 lớp trong tuần, với tổng số học sinh 18X8= 144 học sinh.

Đối tượng học là học sinh lớp 5 đến lớp 11 trong các xã thuộc dự án như: thị trấn Vũng Liêm, xã Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, và Trung An.

Ngay vào thời điểm nghỉ hè, Phòng GD&ĐT phải thông qua Hội Phụ nữ huyện để huy động học sinh đến lớp. Người đăng ký khá đông nhưng chỉ tổ chức được 8 lớp. Nhiều phụ huynh đưa con em bậc tiểu học vào học nhưng không thể nhận hết.

Về học phí, chỉ nhận mỗi học sinh 20.000đ/khóa. Bà Mỹ Lệ nói: “Để lo nước uống, vệ sinh và cho phụ huynh ý thức việc học của con mình!”. 

Lớp học trong container
Lớp học trong container

Niềm vui của học trò vùng sâu

Chúng tôi đến trường tiểu học Trung Thành A, huyện Vũng Liêm, nơi lớp học di động đang dừng chân vào một buổi chiều. Đây là tuần thứ 3 của lớp, các em đang được cô giáo dạy cách định dạng văn bản trên WinWord. Bắt gặp nhưng học sinh nhỏ nhắn, nước da ngăm đen người dân tộc Khmer đang hí hoáy bên bàn phím. Bất ngờ em hốt hoảng:

- Cô ơi! Bài của em đâu mất rồi!

Cô giáo ngồi trên bàn giáo viên có máy chủ, liền chỉ địa chỉ tập tin của em đang lưu.

Có vào lớp mới thấy niềm say mê, sự lúng túng pha lẫn hồi hộp của đa số học viên trong lần đầu cầm “chuột”, tiếp cận máy tính. Nguyễn Thị Thảo Vy - lớp 10 trường THPT Võ Văn Kiệt, cặm cụi tạo đến 5 thư mục về những môn học mình ưa thích. Thảo Vy tâm tình: “Trước giờ em chưa hề đụng đến máy tính. Ban nãy thầy chỉ cho cách đánh chữ, em rất thích!”.

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, từ nay đến cuối năm, trên địa bàn huyện Vũng Liêm sẽ mở thêm 8 lớp nữa. Đầu năm 2012, chiếc xe container - trường học di động - sẽ lăn bánh sang huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Lúc ấy Quỹ Dariu sẽ lập một số thư viện ở các trường tiểu học, có máy tính để học sinh củng cố phần thực hành kiến thức tin học. Mỗi thư viện được trang bị ít nhất 6 máy tính và 3 ngàn bộ sách giáo khoa.

Trò chuyện với cán bộ phòng giáo dục huyện Vũng Liêm, lại một ý tưởng được nêu ra. Nếu đầu tư một container, chỉ tốn vài trăm triệu. Một đầu kéo, nhiều container sẽ làm cho mức đầu tư giảm xuống. Đó chính là mô hình lớp học di động có thể lan ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Nguyễn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ