Trường học ĐBSCL linh hoạt phòng chống khi dịch cúm diễn biến phức tạp

GD&TĐ - Trước tình hình dịch cúm diễn biến phức tạp, trùng thời điểm chuyển mùa, các đơn vị trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiều giải pháp...

Vai trò y tế học đường được phát huy trong phòng bệnh tại các trường học.
Vai trò y tế học đường được phát huy trong phòng bệnh tại các trường học.

Giữ gìn vệ sinh môi trường

Trường Mầm non Nắng Hồng (Phường 7, TP Cà Mau, Cà Mau) có hơn 230 học sinh. Thời gan qua khi dịch cúm bùng phát, các giải pháp phòng ngừa lây lan cho trẻ được nhà trường chú trọng. Cô Vũ Thị Hiên - Hiệu trưởng cho biết: Trong phòng, chống dịch bệnh, trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh và y tế địa phương để làm tốt công tác vệ sinh môi trường, lớp học, đặc biệt đồ dùng cá nhân của trẻ.

“Nhà trường chỉ đạo giáo viên thường xuyên quan sát, theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ. Khi phát hiện các em có biểu hiện bất thường thì báo ngay lãnh đạo trường để thông tin cho y tế cơ sở gần nhất nhằm xem xét trẻ bị bệnh thuộc nhóm nào từ đó có hướng xử lý, cách ly cần thiết”, cô Hiên nói.

Tại Trường Mẫu giáo Hương Tràm (Phường 5, TP Cà Mau, Cà Mau), công tác phòng, chống dịch bệnh thời điểm này được triển khai quyết liệt, linh động. Thông tin từ cô Phạm Thị Lắm - Phó Hiệu trưởng: Từ đầu năm, trường rà soát lại phiếu tiêm chủng, nhắc nhở phụ huynh thực hiện tốt tiêm chủng cho trẻ đủ mũi, đúng thời gian. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với y tế cơ sở tổ chức nhiều đợt tiêm vắc-xin cho trẻ tại trường, tăng cường dọn dẹp vệ sinh trong và xung quanh trường, bảo đảm không gian học tập vui chơi luôn sạch sẽ, khử trùng thường xuyên.

Thông tin về giải pháp phòng chống bệnh theo mùa cho học trò, nhất là dịch cúm mùa, cô Thạch Thị Diệu - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca 2 (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) cho hay: Tại buổi họp phụ huynh hoặc thông qua loa phát thanh, nhóm chat Zalo…, nhà trường nhắc nhở phụ huynh việc bảo đảm chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, chăm sóc tốt sức khỏe cho con em.

Về phía nhà trường thực hiện tốt khâu bảo đảm an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, khử khuẩn lớp học, đồ dùng học tập của trẻ bằng Clorin B. Đồng thời phối hợp với trạm Y tế địa phương tiêm phòng cho trẻ; trường hợp phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh cúm sẽ kịp thời cách ly không để lây lan sang bạn cùng lớp.

nhieu-giai-phap-bao-dam-suc-khoe-hoc-sinh-2.jpg
Học sinh được hướng dẫn vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn.

Ở cấp học lớn hơn, các trường cũng khẩn trương triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh theo sự chỉ đạo của cấp trên. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (TP Cà Mau, Cà Mau), sau Tết, có một số học sinh nghỉ học với lý do bị bệnh. Khi học sinh trở lại trường, nhà trường khuyến cáo các em che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi; khi thấy sức khỏe không bình thường phải báo cha mẹ, thầy cô.

“Nhà trường tổ chức một số lớp học bán trú nên bếp ăn thực hiện lưu mẫu đúng quy định, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; ăn chín, uống sôi. Ngoài ra, trường phân công cán bộ y tế học đường trực suốt quá trình học sinh học tập, thực hiện tốt khâu xử lý ban đầu khi các em gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe”, thầy Phó Hiệu trưởng Lương Văn Xuân trao đổi.

nhieu-giai-phap-bao-dam-suc-khoe-hoc-sinh-1.jpg
Bảo đảm bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh bán trú.

Tăng cường tiêm chủng

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Lê Minh Trí - Trưởng phòng GD&ĐT TP Cà Mau (Cà Mau) cho biết, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo các trường học trực thuộc trên địa bàn huy động giáo viên, nhân viên nhà trường và học sinh tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng trong trường học. Tuyên truyền phụ huynh cho học sinh chưa tiêm chủng hoặc tiêm không đủ liều tham gia tiêm phòng bệnh đầy đủ theo khuyến cáo của ngành Y tế.

“Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng tại nhà trường. Các trường có bếp ăn tập thể phải tuân thủ quy định chế biến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để kịp thời phối hợp xử lý”, ông Trí thông tin.

Tỉnh Bạc Liêu - một trong những địa phương trên cả nước có đông học sinh không trở lại trường sau Tết Nguyên đán do bệnh. Trước thực trạng trên, ngay khi nắm tình hình, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị, trường học theo dõi sát dịch bệnh và triển khai công tác phòng, chống, nhất là bệnh truyền nhiễm một cách chặt chẽ.

“Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt trường có bếp ăn bán trú. Yêu cầu các trường phối hợp với phụ huynh giáo dục học sinh không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng theo lịch hướng dẫn của ngành Y tế.

Chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh trong trường học”, ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu nói.

Theo bác sĩ Trần Hiến Khoá - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, để phòng bệnh hiệu quả, trong đó có bệnh cúm, phụ huynh cần thực hiện tốt việc tiêm chủng cho con em.

Hiện toàn tỉnh có 146 cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng. Trong đó, 113 cơ sở tiêm chủng thuộc Nhà nước, bao gồm bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường, thị trấn; 36 cơ sở tiêm chủng tư nhân đạt tiêu chuẩn cấp giấy phép. Dù tình hình tiêm chủng tại các cơ sở khá đông nhưng nguồn vắc-xin vẫn bảo đảm nhu cầu của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ