Tăng cường các biện pháp giữ ấm cho trẻ
Trường Mầm non Cổ Linh (Pác Nặm, Bắc Kạn) thuộc xã Cổ Linh, là xã đặc biệt khó khăn của huyện Pác Nặm. Trường có 10 điểm trường trong đó có 1 điểm chính và 9 điểm lẻ nằm rải rác trên các sườn núi cao, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, có những điểm trường nằm sâu trên đồi núi hiểm trở.
Phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, với số tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nên việc chăm lo cho học sinh, các em nhỏ cũng là trăn trở của các cô giáo trong trường mỗi khi mùa Đông đến.
Cô giáo Trương Thị Bến, Hiệu trưởng trường Mầm non Cổ Linh cho biết: Trong thời gian này, thời tiết trên địa bàn xã Cổ Linh dao động từ 10-18 độ C nên việc giữ ấm cho trẻ là rất cần thiết. Chính vì vậy nhà trường đã tăng cường các biện pháp giữ ấm cho trẻ để trẻ có đủ sức khỏe tham gia các hoạt động.
Khi bước vào mùa đông nhà trường đã điều chỉnh giờ đón, trả trẻ, các lớp học kín gió, trải thảm, xốp trải nền, đun nước và cho vào bình ủ nước ấm để cho trẻ sử dụng, trang bị đầy đủ chăn, đệm, thảm, việc ăn bán trú cũng điều chỉnh giờ chế biến đảm bảo cung cấp cho trẻ thức ăn ấm và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Ngoài ra nhà trường thường xuyên tuyên truyền cho phụ huynh các biện pháp giữ ấm trẻ khi ở nhà và khi đưa đón trẻ, cung cấp tình hình sức khỏe của trẻ cho giáo viên để chủ động trong việc phòng tránh các bệnh lây nhiễm trong trường học.
Chú ý công tác chăm học sinh trong mùa đông giá rét
Còn tại trường PTDTBT TH&THCS Thượng Ân (Ngân Sơn, Bắc Kạn), năm học này nhà trường có tổng số 310 học sinh. Bên cạnh các biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền đến phụ huynh, chuẩn bị đầy đủ trang phục, chăn ấm cho học sinh, nhà trường cũng đã quán triệt toàn bộ giáo viên, nhân viên trong trường chú ý công tác chăm học sinh trong mùa đông giá rét nhất là các em học sinh ở bán trú tại trường.
Thầy giáo Đàm Văn Quyết, Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Thượng Ân chia sẻ: Trong những ngày rét đậm, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên ca trực bán trú nhắc các em không tổ chức các hoạt động ngoài trời, mặc đầy đủ quần áo ấm, đi giầy tất cẩn thận để giữ nhiệt cho cơ thể, bố trí học sinh cấp tiểu học sẽ thay đổi thời gian vào lớp muộn hơn.
Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng chống rét đậm, rét hại cho học sinh và kịp thời thông báo đến cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh trên nhóm Zalo…, nếu thấy nhiệt độ dưới 10°C, phụ huynh học sinh chủ động cho con nghỉ học ở nhà, đảm bảo sức khỏe cho các con cấp tiểu học; nếu thấy nhiệt độ dưới 7°C, phụ huynh học sinh chủ động cho con nghỉ học ở nhà, đảm bảo sức khỏe cho các con cấp THCS.
Ông Đồng Phúc Phú, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Để chủ động phòng, tránh rét cho học sinh, Phòng đã có văn bản chỉ đạo các trường theo dõi bản tin dự báo thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng, căn cứ tình hình thời tiết thực tế trên địa bàn để điều chỉnh thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học trong những ngày quá rét.
Các đơn vị theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến gió mùa Đông Bắc, rét và thông tin cho học sinh, phụ huynh học sinh, cán bộ, viên chức, người lao động biết, chủ động phòng tránh.
Bên cạnh đó, các trường cũng cần có phương án ứng phó với rét phù hợp với mỗi đơn vị, trường học; hướng dẫn việc đảm bảo sức khỏe, nhất là đối với trẻ mầm non và học sinh; kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng chức năng, phòng nội trú, bán trú, phòng ăn tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ẩm cho học sinh; không dùng bếp than tổ ong sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người và những sự cố đáng tiếc khác.