Trường học ĐBSCL khẩn trương tái khởi động hệ thống phòng Covid-19

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tái khởi động hệ thống phòng dịch.

Lực lượng biên phòng tỉnh Đồng Tháp cắm chốt phòng dịch Covid-19 khu vực biên giới.
Lực lượng biên phòng tỉnh Đồng Tháp cắm chốt phòng dịch Covid-19 khu vực biên giới.

Vùng biên giới đề cao cảnh giác

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dù chưa có ca bệnh nào trong cộng đồng nhưng công tác phòng, chống dịch hết sức khẩn trương. Đặc biệt, các địa phương tiếp giáp vùng biên giới tăng cường lực lượng, kiểm soát chặt chẽ không để tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.

Đồng Tháp chưa có ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Nhưng là địa phương nhiều nguy cơ vì có trên 40km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Có chuyên gia nước ngoài nhập cảnh đến làm việc tại các cơ sở, công ty trong tỉnh. Theo sở GD&ĐT, thời gian gần đây, do dịch bệnh tạm được khống chế nên người dân có biểu hiện chủ quan trong phòng, chống dịch. Đó là các hành vi không đeo khẩu trang nơi đông người, chưa thường xuyên rửa tay, khử khuẩn…

Theo ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, ngay sau khi có thông tin về các ca nhiễm trong cộng đồng tại TPHCM, sở đã ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác truyền thông, khắc phục các biểu hiện chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người nếu không thật sự cần thiết. Đối với các hoạt động đã lên lịch từ trước (Hội thi “Tiếng hát học sinh THPT”, “Hội khỏe Phù Đổng”...) các đơn vị phải hạn chế quy mô tập trung. Xin ý kiến ngành Y tế trước khi tham mưu cho UBND các huyện, thành phố về quy mô tổ chức, hạn chế tập trung quá đông người.

Đến nay, các cơ sở giáo dục trong tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường (thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch và xà phòng...). Triển khai các phương án bảo đảm sức khỏe cho người học, giáo viên trong trường học. Duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định. Rà soát bổ sung kịp thời nước sát khuẩn hoặc xà phòng và các vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.

Sở lưu ý các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo triển khai hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Kịp thời phát hiện các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học. Báo cáo ngay với cơ quan y tế ở địa phương và thực hiện theo hướng dẫn xử lý trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học…

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các trường học ở ĐBSCL hết sức khẩn trương.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các trường học ở ĐBSCL hết sức khẩn trương.

Thủ trưởng chịu trách nhiệm phòng, chống dịch

Ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch. Thực hiện đúng phương châm “3 trước”gồm: Nhận diện, chủ động phòng, chống trước; Phát hiện, hành động, xử lý trước; Chuẩn bị phương án, vật tư trước.“4 tại chỗ” gồm lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

“5K” gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở giáo viên, học sinh nâng cao tinh thần tự giác, chủ động, tích cực phòng, chống dịch Covid-19. Giáo viên, học sinh tăng cường biện pháp phòng chống dịch, chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ Ivào cuối tháng 12.

Ngay sau khi dịch xuất hiện trở lại tại TPHCM, các trường học ở TP Cần Thơ tái kích hoạt hệ thống phòng dịch Covid-19. Trong đó, sở GD&ĐT lưu ý thủ trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm về việc phòng, chống dịch.

Tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học và các phương án đảm bảo sức khỏe cho trẻ, học sinh, học viên, cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong trường học.

UBND TP Cần Thơ cũng có văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết. Trường hợp tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định.

Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang bắt buộc, khử khuẩn tại khu vực cách ly, các khu dân cư tập trung, nơi công cộng, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), dù dịch được kiểm soát nhưng ngành Giáo dục thành phố vẫn tuyên truyền, phổ biến tác nhân gây dịch, cơ chế lây truyền, biểu hiện bệnh lý.

Giải pháp phòng, chống dịch cho tất cả học sinh, giáo viên, phụ huynh thông qua mạng xã hội, cổng thông tin trường... sử dụng tờ rơi, panô, áp phích nâng cao nhận thức. Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm theo dõi sức khỏe học sinh hàng ngày, đặc biệt là những em có yếu tố dịch tễ. 

Nếu có trường hợp sốt, ho, khó thở thì cho các em nghỉ học, phối hợp phụ huynh liên hệ y tế để thăm khám và điều trị nếu phát bệnh… Nhà trường trang bị đầy đủ máy đo nhiệt độ, phòng y tế cách ly, hàng tuần tiến hành vệ sinh khử khuẩn toàn trường bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến dịch bệnh để chủ động trong công tác phòng, chống. Hiện, ngành Giáo dục vẫn thường xuyên phối hợp ngành Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục, chấn chỉnh các tình trạng chủ quan, lơ là...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.