Còn các trường đại học Trung Quốc mời người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng là phụ nữ đến giao lưu cùng giảng viên, sinh viên nhà trường.
Lồng ghép giáo dục bình đẳng giới
Hàng năm, Trung Quốc kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3). Trong ngày này, các trường đại học thường tổ chức lễ chào mừng và tọa đàm giao lưu giữa giảng viên, sinh viên với những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng trong nước.
Đơn cử, ngày 8/3/2021, Đại học Beihang, Bắc Kinh, mời các nữ giáo sư đến chia sẻ với giảng viên, sinh viên nhà trường về những trải nghiệm đáng nhớ trong nghề dạy học.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động “Tháng quan tâm đến nữ giảng viên” nhằm khích lệ tinh thần cống hiến hết mình của các nữ giảng viên cho sự nghiệp giáo dục; đồng thời, gắn kết tình cảm giữa nữ giảng viên và sinh viên.
Bên cạnh đó, những thông điệp về trao quyền cho phụ nữ hay bình đẳng giới cũng được treo trong khuôn viên nhiều trường đại học. Đây là cách sinh viên nữ bày tỏ thái độ ủng hộ hoạt động nữ quyền và các quyền của phụ nữ.
Những thông điệp thường mang tính động viên và ca ngợi vẻ đẹp, sự độc lập của người phụ nữ như: Bất kể ngoại hình của bạn ra sao, tôi chúc bạn can đảm, mạnh mẽ, độc lập và tự do; Hãy vinh danh những người phụ nữ độc lập; Vẻ đẹp có đủ hình dạng và kích cỡ. Hãy sống cuộc đời theo cách mà bạn muốn...
Tại Trung Quốc, Ngày Quốc tế Phụ nữ thường nhằm tôn vinh những người đã lập gia đình. Do đó, nữ sinh các trường đại học, với mong muốn chia vui và tự chúc mừng bản thân, đã tổ chức lễ hội Ngày Nữ sinh vào 7/3 hàng năm.
Trong ngày này, các trường thường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm cho nữ sinh như thi trang điểm, làm đồ handmade, khiêu vũ... Một số trường dựng cây ước nguyện hoặc treo bảng ước nguyện để nữ sinh treo những tấm thiệp ghi lời ước bên trong.
Tại Thuỵ Điển, để kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ trong trường học, giáo viên nữ thường được đồng nghiệp nam hoặc học sinh tặng hoa, kẹo hay món quà nhỏ. Ngoài ra, các thầy cô cũng hướng dẫn học sinh cách làm thiệp, vẽ tranh hoặc làm thơ tặng người thân yêu là phụ nữ. Các trường tổ chức lớp thủ công để trẻ tự tay làm thiệp hoặc quà tặng mẹ.
Trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, trường học cũng thúc đẩy giáo dục về giới và bình đẳng giới. Trẻ em được tham gia tọa đàm, sự kiện hoặc xem phim trang bị kiến thức về giới và bình đẳng giới. Giáo viên tham gia lớp tập huấn về giảng dạy giới và bình đẳng giới trong lớp học, cách thúc đẩy bình đẳng trong môi trường học và đẩy lùi bất bình đẳng.
Tại các trường mầm non, giáo viên tránh đề cập đến giới tính của học sinh. Thay vì gọi “bạn nam, bạn nữ”, thầy cô thường dùng từ bạn/ học sinh/ các em... những từ chung chung để chỉ học sinh hoặc gọi trẻ bằng tên. Họ không dạy trẻ rằng con trai phải mạnh mẽ, con gái được phép yếu đuối mà luôn khuyến khích trẻ em thoải mái bày tỏ cảm xúc.
Khi giáo dục về nghề nghiệp, thầy cô cũng không gán những hình ảnh công an, kỹ sư, nhà khoa học, nhà phi hành gia là dành cho con trai còn giáo viên, ca sĩ, thợ làm bánh, đầu bếp... là con gái.
Nhìn chung, giáo dục Thuỵ Điển luôn khích lệ học sinh làm những điều mình muốn, theo sở thích và khả năng thay vì phải “giấu kín” tiềm năng theo định kiến của xã hội. Điều đó giúp việc giáo dục về giới và bình đẳng giới tại nước này trở nên thiết thực, sinh động và gần gũi hơn.
Một trường học Mỹ làm tranh tường về phụ nữ trong Tháng Lịch sử của phụ nữ. Ảnh: INT |
Tháng tôn vinh phụ nữ
Nhờ thúc đẩy giáo dục về bình đẳng giới trong trường học, những năm qua, giáo dục trẻ em gái cùng với giáo dục về quyền, sức khoẻ sinh sản và tình dục tại Mỹ được cải thiện. Đây là chìa khóa giúp trẻ em gái và phụ nữ có nhiều quyền tự quyết hơn trong gia đình, cộng đồng và quốc gia. Giáo dục trẻ em gái góp phần tăng cơ hội kinh tế và thu nhập cho phụ nữ, giảm tỷ lệ mang thai và kết hôn sớm, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và bà mẹ. Về phía đất nước, giáo dục trẻ em gái kéo theo phụ nữ được trao quyền, gia đình bền vững và nền kinh tế phát triển hơn.
Tại Mỹ, tháng 3 không chỉ có Ngày Quốc tế Phụ nữ mà còn là Tháng Lịch sử của phụ nữ (Women’s History Month). Trong tháng 3, các trường tổ chức nhiều sự kiện, chương trình học và hội thảo đặc biệt để không chỉ tôn vinh mà còn giáo dục học sinh về giới và bình đẳng giới.
Tháng Lịch sử của phụ nữ là lễ kỷ niệm những đóng góp của phụ nữ cho lịch sử, văn hóa và xã hội, được tổ chức xuyên suốt tháng 3. Năm 2023, chủ đề của
Tháng Lịch sử phụ nữ tại Mỹ là “Tôn vinh những người phụ nữ kể câu chuyện của chúng ta”. Thông qua phương tiện truyền thông, họ đã kể câu chuyện về bản thân hoặc những người phụ nữ khác để ca ngợi, tôn vinh hay chia sẻ.
Trong Tháng Lịch sử của phụ nữ, học sinh được dạy về những thách thức và thành tựu của phụ nữ Mỹ. Giáo viên sẽ giao học sinh tìm hiểu quyền bầu cử của phụ nữ, những thành tựu của phụ nữ trong lịch sử Mỹ, người phụ nữ giúp định hình lịch sử nước Mỹ... Sau đó, cả lớp cùng nhau trao đổi và thảo luận. Ngoài ra, học trò được tham quan Bảo tàng Lịch sử Phụ nữ quốc gia hoặc thăm, gặp mặt những người phụ nữ có đóng góp lớn cho đất nước.
Nằm trong Tháng Lịch sử của phụ nữ và xuyên suốt năm học, chủ đề “Giới và Bình đẳng giới” là một phần quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông tại Mỹ.
Ước tính, 7 tiểu bang đang phổ cập chương trình giảng dạy về giới, bao gồm các chủ đề về LGBTQ+ (xu hướng tính dục/bản dạng giới). Quy định “Tiêu chuẩn Giáo dục Giới tính Quốc gia” coi bản dạng giới là một trong 7 chủ đề quan trọng khi giáo dục học sinh, bên cạnh bài học về tuổi dậy thì, sự đồng ý, khuynh hướng tình dục và nhiều chủ đề khác. Chính phủ liên bang cũng khuyến nghị các trường học đưa giới và bản dạng giới vào các chương trình giáo dục giới tính.
Bà Kathleen Ethier, Giám đốc Sức khoẻ học đường và thanh thiếu niên tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết: “Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc giảng dạy về giới và xu hướng tính dục, bản dạng giới sẽ mang lại hiệu quả trong trường học. Nó giúp xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh và hỗ trợ những học sinh dễ bị tổn thương nhất”.
Tại Mỹ, tiến bộ trong giáo dục phụ nữ và trẻ em gái là bước tiến quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới trong tất cả khía cạnh của đời sống gia đình và công việc. Năm 2000, phụ nữ Mỹ vượt qua nam giới về số lượng người lấy bằng tiến sĩ.