Theo lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Khuyến, sau khi Báo GD&TĐ phản ánh, nhiều phụ huynh, học sinh đã có ý thức hơn trong việc chấp hành quy định về an toàn giao thông khi đi học qua cổng tạm của Nhà trường trên đường Quang Trung.
Một người đi xe máy ngược chiều buộc phải dừng lại để 3 em học sinh rẽ trái vào cổng trường. (Ảnh: TT). |
Tuy nhiên, do độ dốc đường Quang Trung (đoạn qua cổng tạm của trường) rất lớn, nhiều em học sinh vẫn "thả trôi" cho xe phóng nhanh, thậm chí vượt, tạt qua đầu xe ngược chiều để rẽ trái vào cổng trường.
Cổng tạm của Trường THCS Nguyễn Khuyến có độ dốc lớn, cua gấp. (Ảnh: TT). |
Theo một nhân viên của nhà trường, hầu như ngày nào vào giờ tan học cũng có em bị ngã xe do phương tiện lưu thông nhiều và phải tăng ga để vượt dốc.
"Tuy chưa có vụ tai nạn nào nghiêm trọng, nhưng ngày nào cũng có em bị ngã xe. Cũng do đường vào trường có độ dốc lớn, cua gấp, cô Hiệu phó đã tông ô tô vào tường rào bên phải cổng tạm của trường", vị này nói và chỉ về vị trí xe cô Hiệu phó tông vào.
Ghi nhận của phóng viên vào sáng 8/5 tại cổng tạm Trường THCS Nguyễn Khuyến. (Clip: TT). |
Chị Linh (nhà ở đường Ngô Quyền, phường An Bình) chia sẻ, sáng nào cũng chở con đi học bằng ô tô, nhưng vì đoạn qua cổng phụ quá dốc, chị gặp khó khăn trong việc đậu, đỗ xe.
"Tôi thường đi sớm chứ tầm 6 giờ 30 phút trở lên (sắp đến giờ vào lớp) là các em học sinh phóng ầm ầm qua đường để vào trường rất nguy hiểm. Mong Nhà nước sớm mở cổng để phụ huynh yên tâm đưa đón con đến trường", chị Linh nói.
Sắp đến giờ vào lớp, nhiều em học sinh thả cho xe trôi theo dốc để lao nhanh vào cổng trường bất chấp có xe đi ngược chiều. (Ảnh: TT). |
Ghi nhận thực tế vào ngày 8/5 cho thấy, việc lo lắng của phụ huynh, thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Khuyến là có cơ sở.
Ngôi trường được đầu tư xây dựng khang trang với tổng số vốn 53 tỷ đồng nhưng lại chưa thể mở cửa chính. Điều này khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi về năng lực của chủ đầu tư, các cơ quan tham mưu, cơ quan phối hợp trong việc triển khai dự án.
Ngôi trường 53 tỷ đồng này chưa biết đến bao giờ mới mở được cổng chính để trường ra trường, lớp ra lớp. (Ảnh: TT). |
Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, sau gần một năm học, cổng chính của Trường THCS Nguyễn Khuyến (phường An Bình, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) vẫn "cửa đóng, then cài".
Muốn vào trường, thầy cô và hơn 800 học sinh phải "đánh liều" đi vào cổng tạm, nơi có độ dốc lớn và cua vào gấp.