Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản hồi dự thảo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Không phù hợp quy định pháp luật”

Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản hồi dự thảo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Không phù hợp quy định pháp luật”

Nhiều điểm trong dự thảo không hợp lý?

Theo đó, ngày 19/3/2020, Tổng LĐ (cơ quan quản lý trực tiếp của 2 trường đại học là TDTU và Trường ĐH Công đoàn) có Công văn số 251/TLĐ yêu cầu 2 trường góp ý cho Dự thảo Quy định về phân cấp quản lý và quy trình thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng trường (HĐT), công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch HĐT, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên HĐT, công nhận Hiệu trưởng trong các trường ĐH trực thuộc Tổng LĐ.

TDTU cơ bản không đồng ý với dự thảo này. Cụ thể TDTU cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34), tại Điểm d, Khoản 1; và Điểm b, Khoản 4; Điểm c, Khoản 6 của Điều 7 của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP (Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 34) Tổng LĐ với tư cách là cơ quan quản lý trực tiếp được luật định có các quyền hạn sau: (a) Cử đại diện tham gia cuộc họp với tập thể lãnh đạo và các thành viên chủ chốt của HĐT để thống nhất số lượng, cơ cấu thành viên HĐT; (b) Cử nhân sự tham gia vào HĐT như là đại diện của một bên có lợi ích liên quan; (c) Công nhận HĐT/Chủ tịch HĐT, Hiệu trưởng theo đề nghị của HĐT; hoặc không công nhận và phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Luật và Nghị định không có điều khoản nào giao Tổng LĐ quyền quy định các nội dung khác như nội dung tại Phạm vi điều chỉnh của Khoản 1, Điều 1 trong Dự thảo quy định về thẩm quyền, quy trình, thủ tục thành lập, công nhận HĐT, bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên khác của HĐT.

Đồng thời, phía TDTU cho rằng theo nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 16 Luật GDĐH (Luật số 08/2012) được quy định trong Điều 1 của Luật số 34; và Điều 7 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP thì tất cả các nội dung tại Chương III (Quy định về quy trình, thủ tục thành lập, công nhận HĐT, công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch HĐT, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên HĐT, công nhận Hiệu trưởng trường ĐH) của Dự thảo “phải được quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường”. Chỉ có HĐT mới có thẩm quyền quyết định các nội dung của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phù hợp với pháp luật và đặc thù mỗi trường. “Việc Tổng LĐ đưa ra quy định này trước khi trường sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động là chính thức ép buộc các trường phải làm theo (không phân biệt trường tự chủ/ không tự chủ). Đây là sự vi phạm nghiêm trọng chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về chỉ đạo giảm sự can thiệp của cơ quan chủ quản đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi đầu tư, như Nghị quyết 14/2005/NQ-CP, Nghị quyết 89/NQ-CP; Nghị quyết 05-NQ/TW; Nghị quyết 19-NQ/TW của Đảng và Nhà nước” - Công văn phản hồi của TDTU nêu.

Ngoài ra, TDTU cũng cho rằng quy trình nhân sự 5 bước cho chức danh Chủ tịch HĐT, Phó Chủ tịch HĐT và Hiệu trưởng trong Dự thảo của Tổng LĐ “là không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào”. Công văn của TDTU nêu: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại cuộc họp triển khai Nghị định 99 đã khẳng định “Luật là kim chỉ nam xuyên suốt và cao nhất. Còn bất kỳ sự hướng dẫn nào trái Luật và Nghị định 99 này đều không được chấp nhận”. Do đó, TDTU sẽ chỉ tuân thủ Luật số 34, Nghị định 99 và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT”.

Có những viện dẫn bị lạm dụng?

Hiện nay, ngoài Bộ GD&ĐT thì còn có nhiều cơ quan khác là chủ quản trực tiếp của nhiều cơ sở GDĐH. Có thể do không có kinh nghiệm về lĩnh vực giáo dục nên một số văn bản của cơ quan quản lý trực tiếp các trường khi ban hành có những va đập với luật định. Điều này một phần là dựa vào Quy định 105-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Tuy nhiên, Quy định 105-QĐ/TW và 2 phụ lục của quy định này hầu như không đề cập đến đối tượng là các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trường đại học nói riêng (trừ 2 đại học quốc gia). Nghĩa là quy định này chưa quy định hóa công tác cán bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 (ban hành trước Quy định 105-QĐ/TW hơn 1 tháng). Đây cũng là khoảng hở đã và đang tạo ra những viện dẫn có tính lạm dụng của một số cơ quan quản lý trực tiếp.

Cụ thể tại Quy định 105-QĐ/TW, cụm từ “đơn vị sự nghiệp công lập” chỉ được nhắc đến 1 lần tại trang 2, Mục 1.1. Điều 2 (Nguyên tắc quản lý cán bộ): “Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, tiêu chuẩn, quy chế, quy định về công tác cán bộ và thông qua các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên trong các cơ quan Nhà nước, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức kinh tế Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để lãnh đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện các quyết định của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ”.

Việc lãnh đạo công tác cán bộ ở đơn vị sự nghiệp công lập theo nội dung này là thuộc về cấp ủy, tổ chức Đảng tại đơn vị. Điều này hoàn toàn khớp với thẩm quyền mà Nghị định 99 và Luật số 34 quy định: Tập thể lãnh đạo gồm Thường vụ cấp ủy trường đại học, Chủ tịch HĐT, Phó Chủ tịch HĐT (nếu có) và Ban giám hiệu. Như vậy, Quyết định 105-QĐ/TW mặc dù chưa quy định hóa đúng chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/TW về công tác cán bộ cho đơn vị sự nghiệp công lập nhưng nội dung của Quy định không mâu thuẫn với Luật 34 và Nghị định 99.

Thời gian qua giữa TDTU và Tổng LĐ đã có một số tranh cãi về việc áp dụng và vận dụng các quy định pháp luật trong hoạt động. Tổng LĐ cho rằng, TDTU không chấp hành nhiệm vụ đối với cơ quan chủ quản. Trong khi, TDTU cáo buộc nhiều chỉ đạo của Tổng LĐ vi phạm luật pháp hiện hành, can thiệp sâu và đe dọa sự phát triển của trường.

Một số nội dung của Dự thảo mà TDTU không đồng ý:

- Khoản 1, Điều 1 của Dự thảo quy định về thẩm quyền của Tổng LĐ trong quy trình, thủ tục thành lập, công nhận HĐT, bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên khác của HĐT.

- Các nội dung tại Chương III: Quy định về quy trình, thủ tục thành lập, công nhận HĐT, công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch HĐT, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên HĐT, công nhận Hiệu trưởng trường ĐH.

- Quy trình nhân sự 5 bước cho chức danh Chủ tịch HĐT, Phó Chủ tịch HĐT và Hiệu trưởng trong Dự thảo của Tổng LĐ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.