Tăng cường giám sát quá trình đào tạo
Theo thông báo của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM), mã ngành 7720101 – Y khoa là ngành đào tạo Bác sĩ y khoa, thời gian đào tạo 6 năm, được trang bị kiến thức phòng bệnh, chữa bệnh và bảo vệ sức khoẻ cho con người. Năm 2020, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chính thức tuyển sinh khoá đầu tiên ngành Y khoa.
Thí sinh đăng ký xét tuyển Y khoa bằng 6 phương thức tuyển sinh với 4 tổ hợp môn xét tuyển bao gồm: A00: Toán, Lý, Hoá, B00: Toán, Hoá, Sinh, C02: Toán, Hoá, Ngữ Văn, D90: Toán, KHTN, Tiếng Anh.
Riêng với các ngành thuộc Khối ngành Sức khoẻ và Giáo dục, thí sinh phải đạt yêu cầu ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo Quy chế tuyển sinh năm 2020. Ngoài phương thức xét học bạ, thí sinh yêu thích các ngành thuộc Khối sức khỏe có thể xét tuyển theo phương thức thi kiểm tra năng lực theo dạng SAT 2.
PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) tin tưởng: Cơ quan quản lý Nhà nước đã thẩm định các điều kiện, nhà trường mới được cấp phép đào tạo. Bởi theo logic, khi nhà trường được cấp phép có nghĩa họ đã đáp ứng các yêu cầu của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế. “Điều kiện ban đầu tốt không có nghĩa là mọi thứ sau này đều tốt. Vì thế, cả Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cần tăng cường giám sát trong quá trình đào tạo của nhà trường” - PGS.TS Nguyễn Phương Nga nêu vấn đề.
Chất lượng quyết định
Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, các trường đào tạo y khoa phải bảo đảm 3 cấu phần gồm: Cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm và đội ngũ giảng viên. Đặc biệt là yếu tố cơ sở hạ tầng, trong đó có phòng thí nghiệm và bệnh viện thực hành. Thực tế có nhiều trường đủ điều kiện đào tạo y khoa theo quy định nhưng phải giám sát chặt chẽ những điều kiện cần và đủ, trong đó có yếu tố về điều kiện hạ tầng. Bởi có khi về mặt giấy tờ, thủ tục hành chính thì đủ nhưng thực tế có thể họ đi “vay mượn” để đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện.
“Những trường đã đủ điều kiện rồi cũng nên công bố công khai về cơ sở hạ tầng để chứng minh với xã hội rằng, chúng tôi có đầu tư trong quá trình đào tạo và đáp ứng được tất cả quy định của pháp luật. Ngoài ra, nhà trường cũng nên công bố chất lượng, trình độ đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, chứ không chỉ đơn thuần là công bố quyết định cho phép đào tạo của cấp có thẩm quyền” – PGS Đậu Xuân Cảnh nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, trong xu thế hội nhập và phát triển sẽ có những trường tư thục có đủ điều kiện để đào tạo y khoa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, cần đào tạo ra đội ngũ y bác sĩ có chất lượng, nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, để xã hội không phải lo lắng, bởi chất lượng là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của chương trình đào tạo.
TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Những ngành đặc thù cần có tiêu chuẩn đặc thù, đơn cử như ngành Y khoa. Đào tạo nhân lực cho ngành này không giống như đào tạo nguồn nhân lực đại trà, do đó điều kiện mở ngành phải được thẩm định thật kỹ. Quá trình đào tạo cần lấy yếu tố chất lượng là mục tiêu hàng đầu, để sau khi ra trường, họ có thể làm việc được ngay, kể cả làm việc tập thể hay độc lập.
“Thời gian đào tạo bác sĩ là 6 năm, không như đào tạo cử nhân (4 năm); nên bằng bác sĩ khác với bằng cử nhân. Vì thế, cần chú trọng ngay từ khâu tuyển sinh đầu vào. Trước mắt là, thực hiện đúng nguyên tắc ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo Quy chế tuyển sinh đối với nhóm ngành sức khỏe. Chẳng hạn, các ngành Y khoa, Răng hàm mặt, Dược học, Giáo dục mầm non: Học lực lớp 12 xếp loại Giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8.0 điểm trở lên. Các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Giáo dục thể chất: Học lực lớp 12 xếp loại Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6.5 trở lên” – TS Lê Viết Khuyến dẫn giải.