Theo đó, điểm sàn xét tuyển đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi dao động từ 17 điểm - 25 điểm.
Ngành Luật Thương mại quốc tế có điểm sàn xét tuyển là 25 điểm ở tất cả các tổ hợp (trừ A00 và D14). Ngành Luật có điểm sàn xét tuyển tổ hợp C00 là 25 điểm, tổ hợp A00 là 19 điểm, ở hai tổ hợp A01 và D01,03,06 mức điểm sàn xét tuyển chỉ là 17,5 điểm.
Về ngành đào tạo của Trường: Năm học 2020, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ đẩy mạnh đào tạo liên thông giữa 3 ngành: Luật, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Anh văn pháp lý),trong đó đặc biệt tập trung vào chương trình đào tạo liên thông từ ngành Quản trị kinh doanh và ngành Ngôn ngữ Anh sang ngành Luật.
Theo đó, sau khi đã học xong năm thứ I của ngành thứ I (ngành Quản trị kinh doanh hoặc ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Luật TP.HCM, nếu đạt học lực từ loại Khá trở lên, sinh viên sẽ được đăng ký học liên thông sang ngành Luật. Sau thời gian từ 5,0 năm đến 5,5 năm (tính từ năm 2020), nếu sinh viên hoàn thành cả 2 chương trình đào tạo sẽ được Nhà trường xét tốt nghiệp và cấp 2 văn bằng cử nhân trình độ đại học hệ chính quy (trong đó có bằng cử nhân ngành Luật).
Theo Thạc sĩ Lê Văn Hiển- Phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Nhà trường; Đây là lợi thế rất lớn của sinh viên theo học ngành Quản trị kinh doanh hoặc ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Luật TP.HCM
Trường ĐH Luật TP.HCM cũng công bố thông tin về học phí năm 2020-2021 cho sinh viên.
Cụ thể, các lớp đại trà: Ngành Luật, ngành Luật Thương mại quốc tế, ngành Quản trị - Luật và ngành Quản trị kinh doanh: 18.000.000đ/ năm; Lớp Ngôn ngữ Anh: 36.000.000đ/ năm; Lớp chất lượng cao ngành Luật (tăng cường tiếng Pháp, tiếng Nhật và tiếng Anh) và ngành Quản trị kinh doanh: 45.000.000đ/ năm; Lớp chất lượng cao ngành Quản trị - Luật: 49.500.000đ/ năm.