Nối tiếp triển khai chế tạo thành công chuỗi sản phẩm không tiếp xúc tại Bộ môn Điện tử Y sinh, nhóm giảng viên và sinh viên đã chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động giúp hạn chế tối đa việc lây lan gián tiếp của nCoV, hỗ trợ cho cộng đồng trong việc phòng chống dịch.
Trưởng Bộ môn Điện tử Y sinh, Trưởng phòng Đào tạo, PGS. TS. Phùng Trung Nghĩa cho biết: “Bên trong máy cấu tạo như 1 chiếc bơm nước, phù hợp với tất cả các loại dung dịch dạng lỏng; vỏ máy được làm từ khung nhựa và nhôm nhỏ gọn, chắc chắn, an toàn; đặc biệt sử dụng nguồn điện trực tiếp, máy có chế độ ngắt tự động với hệ thống đèn cảnh báo riêng khi hết dung dịch bên trong; phần mềm thiết bị sử dụng cảm biến điện tử giúp ổn định máy hơn tránh gây cháy hỏng.”
“Hiện nay, với mong muốn hỗ trợ cộng đồng trong việc phòng chống dịch, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đang lên phương án triển khai kế hoạch sản xuất đồng loạt, giúp đỡ các cơ sở giáo dục, các trường phổ thông sau khi học sinh đi học trở lại và một số đơn vị khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Phó Hiệu trưởng PGS. TS Đỗ Đình Cường cho biết.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các cơ sở sản xuất hàng loạt máy rửa tay sát khuẩn tự động, tuy nhiên giá thành tương đối cao và cạnh tranh so với các sản phẩm cùng tính năng, thành phẩm với mỗi máy máy rửa tay sát khuẩn tự động có giá 750 ngàn đồng/ sản phẩm.
Kết quả đã sản xuất khoảng gần 40 chiếc máy đầu tiên, sản phẩm được đưa vào sử dụng trong nhà trường và trao tặng cho Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên trên địa bàn tỉnh… nhận được sự ủng hộ và phản hồi tích cực.
Với tính năng linh hoạt, thao tác nhanh nhạy, sản phẩm cho phép người sử dụng thực hiện quá trình rửa tay bằng cách hoàn toàn tự động, chỉ việc đưa tay vào trong khoang máy sẽ tự động bơm và phun ra một lượng dung dịch dạng sương vừa đủ cho sát khuẩn, tiết kiệm như mong muốn, tránh hoàn toàn mọi tiếp xúc trực tiếp với vòi bình, lọ thông thường; dễ dàng sử dụng, đảm bảo mục tiêu an toàn, giảm thiểu rủi ro lây bệnh.
Mặc dù, vấn đề duy nhất hiện nay là nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị điện tử thiếu hụt, khan hiếm; vận chuyển khó khăn, chi phí gia tăng, không đủ sản xuất làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công chậm hơn bình thường do do tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp.
“Hy vọng với sáng kiến hữu ích và kịp thời, sản phẩm sẽ góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời lan tỏa tinh thần “chống dịch như chống giặc” hòa chung hành động thiết thực cùng cộng đồng.” - PGS. TS. Phùng Trung Nghĩa chia sẻ .