Thái Nguyên: Sinh viên vùng khó hưởng ứng tâm thư của thầy hiệu trưởng, chống “virus trì trệ”

Thái Nguyên: Sinh viên vùng khó hưởng ứng tâm thư của thầy hiệu trưởng, chống “virus trì trệ”

Thử thách để trân trọng hơn những giá trị cuộc sống

Giữa những ngày cách ly chống dịch tháng 4 năm 2020, PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (ĐHTN) đã viết tâm thư gửi đến toàn thể sinh viên nhà trường.

Rất nhiều sinh viên của nhà trường là con em sinh sống ở miền vùng cao sơn cước, điều kiện khó khăn, thậm chí đặc biệt khó khăn. Việc học tập của các em trong hoàn cảnh bình thường đã gặp nhiều trở ngại nhưng khi học trực tuyến trong những ngày không đến trường tránh dịch như hiện nay lại càng gặp phải vô vàn thử thách.

Thấu hiểu những vất vả, thiệt thòi cũng như nghị lực quyết tâm học tập của sinh viên, thầy Nguyễn Văn Đăng đã thay mặt cán bộ giảng viên nhà trường viết tâm thư, động viên học trò không nản chí, không ngại khó, coi thử thách như là một động lực.

Bức thư hướng sinh viên đến cách nhìn nhận, cách tiếp cận tích cực, khuyến khích các em tìm ra những việc làm ý nghĩa cho mình để thấy được giá trị của cuộc sống:

“…Chính thử thách ấy đã làm các em biết kiên trì hơn, linh hoạt hơn, trưởng thành hơn. Trận đại dịch này đã khiến các em tự trang bị cho mình kiến thức và kĩ năng về công nghệ thông tin, kĩ năng quản lí thời gian, biết tự mình vượt qua áp lực để trưởng thành. Các em biết trân quý tình cảm gia đình, thầy cô, bè bạn, thấy trân trọng hơn từng giây phút đáng yêu của cuộc sống này”.

Thái Nguyên: Sinh viên vùng khó hưởng ứng tâm thư của thầy hiệu trưởng, chống “virus trì trệ” ảnh 1
Sinh viên ngành Khoa học Quản lí Giàng A Minh trong “phòng học” là lán hoang

Nỗ lực vượt lên, chống “virus trì trệ”

Trong thư, thầy hiệu trưởng nhắn nhủ người học trong bối cảnh này càng phải “tỉnh táo” để không rơi vào kiểu suy nghĩ ỉ lại phó mặc buông xuôi, bởi lúc này chúng ta không chỉ phải chống lại virus corona mà còn phải chống lại một thứ cũng rất nguy hại - đó là “virus trì trệ”:

“…Chúng ta vẫn phải dạy và học, không thể nào khác. Chúng ta phải chống lại 02 thứ virus: virus Corona và virus Trì trệ. Nếu ai đó ỉ vào cách ly chống dịch rồi lơ là việc học cũng đồng nghĩa là sẽ bỏ qua cơ hội vàng để tích lũy kiến thức, để hoàn thành các kì học của mình một cách tốt nhất”.

Đón nhận những dòng chia sẻ đầy khích lệ đó, nhiều sinh viên của nhà trường đã chủ động bắt tay vào thực hiện những việc làm rất thiết thực.

Cảm động và đáng khâm phục vô cùng khi nhiều bạn sinh viên bất chấp những trở ngại tưởng như không thể vượt qua, tìm mọi cách để đón sóng học online.

Bạn Sùng Mí Ly (xã Mã Lé, Đồng Văn, Hà Giang), sinh viên ngành Công tác xã hội, phải nhờ bạn bè nhắn tin báo trước lịch học, cứ 5h sáng lại lên đường, đi 7km đến trung tâm xã, ngồi ven đường để ké sóng wifi mở điện thoại học bài. “Chỉ cần có sóng để vào mạng học được là tốt rồi, chuyện đi lại em thấy mất thời gian thôi chứ cũng không sao đâu ạ” - Ly bình thản nói.

Trong khi đó, bạn Vàng A So (xã Mường Hung, Sông Mã, Sơn La), sinh viên ngành Luật, tìm lên đỉnh đồi cao cách nhà hơn 2km, tự làm lán tạm để che mưa nắng, đón “sóng rơi” để có thể truy cập học bài. So chia sẻ: “Thì giờ tình hình dịch không đến trường học được, đành phải làm vậy thôi chứ biết làm sao được nữa đâu. Em hi vọng sẽ qua nhanh đợt này”.

Tương tự cách làm như thế, bạn Giàng A Minh (xã Lao Xả Phình, Tả Chùa, Điện Biên), sinh viên ngành Khoa học Quản lí, cũng phải tìm lên đỉnh đồi cao cách nhà 3km để “hứng sóng” vào mạng, gặp chỗ có cái lán trâu đã bỏ hoang thì lấy cây vào kê ngồi học luôn. “Em không ngại việc đi lại, chỉ mong nhất là không bị mưa, để ngồi học ổn hơn” - Minh vui vẻ bày tỏ.

Còn với bạn Lầu A Tú (bản Xiêng Phả, xã Chiềng Lao, Mường La, Sơn La), sinh viên ngành Luật, em phải sang xã khác tìm lên ngọn núi cao, cách nhà 3km, đi bộ mất 40 phút, mang theo bạt phủ tạm vào gốc cây làm chỗ học. Mỗi lần lên đến nơi, người đã mỏi rã rời, nhưng ngay lập tức phải dò tìm kiếm đón sóng điện thoại để kịp vào giờ học. “Hôm nào nắng thì dù nóng nực nhưng vẫn còn hơn, hôm nào mưa là khó nhất, hắt vào ướt hết. Em chờ đợi ngày được trở lại trường, gặp lại mọi người” - Tú chia sẻ.

Ngoài việc học, sinh viên của nhà trường còn kịp thời góp sức mình với bà con, đồng bào địa phương. Bạn Mùa Thị Chở (xã Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang), sinh viên ngành Du lịch, là một tấm gương về ý thức trách nhiệm cộng đồng, hoạt động thiện nguyện.

Thái Nguyên: Sinh viên vùng khó hưởng ứng tâm thư của thầy hiệu trưởng, chống “virus trì trệ” ảnh 2
Sinh viên Mùa Thị Chở trao tiền quyên góp ủng hộ

Không chỉ tuyên truyền giúp bà con làng bản hiểu biết để phòng, chống Covid-19, Chở còn kịp thời quan tâm và tìm cách vận động quyên góp hỗ trợ cho người khó khăn ở quanh mình. Gần nhất, biết được câu chuyện thắt lòng về 3 anh em mồ côi ở cùng ông bà già yếu, trong đó anh cả là cậu bé 12 tuổi Sùng Mí Sò (ở cùng xã) phải đi cõng gạch thuê, Chở đã nhanh chóng kêu gọi mọi người chung tay ủng hộ.

Chỉ sau 02 ngày, số tiền nhận được đã là 56.550.000đ (tính đến 11h55’ ngày 15/4/2020), trong số này một phần tiền đã được trao tay trực tiếp tận nhà, phần còn lại được dự kiến lập sổ tiết kiệm cho các bé.

Giữa bộn bề khó khăn, những bạn trẻ vùng cao đã gạt đi tất cả để tìm ra cho mình một cách làm khả dĩ nhất có thể. Cuộc chiến chống virus corona còn đang tiếp diễn, nhưng trước hết các bạn đã chiến thắng được “virus trì trệ”, chiến thắng chính bản thân mình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.