Trường ĐH Bách khoa TPHCM dự kiến còn 2 phương thức tuyển sinh trong năm 2025

GD&TĐ - Năm 2025, Trường ĐH Bách khoa TPHCM dự kiến sử dụng 2 phương thức chính, gồm xét tuyển kết hợp và xét tuyển thẳng.

PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa giới thiệu về phương thức xét tuyển kết hợp của trường. Ảnh: VNUHCM
PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa giới thiệu về phương thức xét tuyển kết hợp của trường. Ảnh: VNUHCM

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) vừa tổ chức buổi tọa đàm về phương thức xét tuyển kết hợp nhằm thông tin về cách thức xây dựng và đánh giá thực tế triển khai tại đơn vị.

Dự kiến, trong năm 2025, Trường Đại học Bách khoa sẽ sử dụng 2 phương thức tuyển sinh chính: Xét tuyển thẳng theo quy định Bộ GD&ĐT, Đại học Quốc gia TPHCM; Xét tuyển kết hợp (đánh giá năng lực, kết quả THPT, học lực THPT và năng lực khác).

Xét tuyển kết hợp là một trong những phương thức tuyển sinh quan trọng của nhà trường trong nhiều năm trở lại đây.

Trong năm 2024, chỉ tiêu cho phương thức này chiếm 75- 90% tổng chỉ tiêu.

Ngoài phương thức xét tuyển kết hợp, trong giai đoạn 2022-2024, nhà trường sử dụng 4 phương thức khác gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế Bộ GD&ĐT; Ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định Đại học Quốc gia TPHCM; Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế, thí sinh nước ngoài; Xét tuyển kết quả thi THPT kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài.

432107888-794470065890844-6086546563145340670-n.jpg
Thí sinh dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng nhà trường, phương thức xét tuyển kết hợp này bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT), thành tích cá nhân, hoạt động xã hội - văn thể mỹ.

Trong đó, yếu tố học lực gồm 3 thành phần: Kết quả học tập ở bậc THPT, Điểm thi THPT, Điểm thi đánh giá năng lực với trọng số các thành phần và quy tắc quy đổi điểm số do Hội đồng tuyển sinh nhà trường quyết định

“Yếu tố thành tích cá nhân gồm giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, giải khoa học kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế và các giải thưởng học thuật khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng yếu tố hoạt động xã hội, văn thể mỹ”, PGS.TS Trần Thiên Phúc cho biết

Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc, việc thực hiện phương thức kết hợp sẽ đánh giá đầy đủ năng lực của thí sinh, tạo công bằng để thí sinh tham gia xét tuyển. Đồng thời, điều này góp phần đa dạng nguồn tuyển sinh, tạo động lực học tập và tham gia các hoạt động văn thể mỹ liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ