Câu chuyện này đặt ra bài học kinh nghiệm sâu sắc cho các trường trong việc xử lý vi phạm của học sinh, cũng như phối hợp với gia đình, xã hội đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục các em kiến thức, kỹ năng để tham gia mạng xã hội an toàn, văn minh, đúng mục đích.
Đăng clip vì mục đích giáo dục học sinh?
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền rất nhanh clip gần 2 phút, ghi lại cảnh một nam sinh tên Q đứng đọc bản kiểm điểm, xin lỗi các ARMY (Fan của nhóm nhạc BTS) vì đã có những hành động, lời lẽ xúc phạm nhóm nhạc nam đến từ Hàn Quốc này. Đoạn video ngay lập tức gây chú ý và nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Trước đó, nam sinh tên Q lập trang anti nhóm nhạc BTS và đưa những hình ảnh, ngôn ngữ thô tục, xúc phạm nhóm nhạc này. Vì hành vi này, nhiều người tự xưng là fan của nhóm nhạc BTS liên tục nhắn tin làm phiền đến gia đình em và lãnh đạo nhà trường, yêu cầu em Q phải xin lỗi công khai. Ngày 5/11 nhà trường, phụ huynh em Q đã họp và thống nhất theo Biên bản xử lý kỷ luật em với các nội dung: Đọc kiểm điểm, nhận lỗi và xin lỗi ARMY trước trường; bị đình chỉ học 4 ngày từ 6/11 - 9/11 (em vẫn đến trường nhưng không vào lớp, phải thực hiện chép bài, ôn bài theo quy định); phải lao động công ích trong thời gian bị xử lý kỷ luật; bị đánh giá hạnh kiểm từ trung bình đến yếu trong học kỳ 1.
Thực hiện nội dung biên bản này, chiều 5/11, em Q đọc bản kiểm điểm trước trường và công khai nhận lỗi, xin lỗi ARMY. Sự việc này được trường quay clip và chuyển cho admin của fanpage Trường THCS Ngô Quyền (do cựu học sinh quản lý) với mục đích nhắc nhở, giáo dục học sinh. Ngay sau đó, clip đã lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội.
Liên quan đến việc công khai clip học sinh xin lỗi vì xúc phạm nhóm nhạc BTS, thầy Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền thừa nhận mình đã nóng vội. Theo thầy Thụ, chỉ vì muốn bảo vệ học trò, muốn xoa dịu mọi việc mà không lường hết hậu quả. Cụ thể là clip em Q xin lỗi đăng tải công khai trên mạng đã bị phát tán nhanh chóng và sử dụng với mục đích khác nhau.
Cách làm phản giáo dục, vi phạm Luật Trẻ em
Dư luận xã hội nói chung khá thống nhất khi cho rằng kỷ luật học sinh vi phạm thuộc thẩm quyền nhà trường. Tuy nhiên, câu chuyện đăng clip kiểm điểm của học sinh lên mạng lại không ổn cả về mặt giáo dục lẫn pháp luật.
Theo thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, đối với học sinh sai phạm, giáo viên thường dùng phương pháp kỷ luật tích cực, “lạt mềm buộc chặt”. Đầu tiên là tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm, trao đổi với phụ huynh, học sinh để giúp các con nhận ra lỗi, tạo cơ hội để trò sửa sai. Dĩ nhiên, đối với những trường hợp tái phạm nhiều lần, trường sẽ xử lý theo nội quy của trường, của ngành. Và ở các trường hợp này, nhà trường, giáo viên luôn mời phụ huynh đến làm việc riêng, gần như hạn chế tối đa nêu tên trước trường. Đứng trên góc độ pháp luật, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM phản đối cách làm của Trường THCS Ngô Quyền. Theo Luật sư Ngọc Nữ, trường vừa thực hiện không đúng quy định về xử phạt học sinh của ngành GD - ĐT, vừa vi phạm Nghị định 56/2017/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Qua hình thức xử lý kỷ luật của trường, học sinh có thể bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng đến lúc trưởng thành.
Bài học sâu sắc cho các trường
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, việc kỷ luật học sinh Q vừa qua tại Trường THCS Ngô Quyền là phương pháp phản sư phạm. Đặc biệt, nó ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ. “Tôi nghĩ rằng, qua câu chuyện của Trường THCS Ngô Quyền, nhà trường cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Ngoài ra, đây cũng là bài học đối với các giáo viên, cán bộ quản lý khi xem xét xử lý những vi phạm của học sinh cho phù hợp hơn” – ông Ngai nói.
Để những câu chuyện buồn như trên không xảy ra, theo các chuyên gia, nhà trường cần tăng cường hơn nữa việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh về sử dụng mạng xã hội đúng mục đích, an toàn, văn minh. Phụ huynh cũng cần sâu sát với con em mình hơn, phối hợp tốt với nhà trường để giáo dục trẻ.