Trường đại học thích ứng dịch bệnh: Sinh viên làm việc nhóm... online

GD&TĐ - Dù tổ chức dạy - học trực tuyến nhưng vẫn bao gồm các hoạt động như phản biện, thuyết trình, dự án học tập… nên sinh viên các trường đại học phải thích ứng với cách làm việc nhóm trên không gian mạng.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học theo hình thức trực tuyến.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học theo hình thức trực tuyến.

Điều chỉnh cách trình bày nhóm

PGS.TS Lê Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng - cho biết: Cho dù có những hạn chế nhất định nhưng với hình thức dạy - học online, giảng viên vẫn duy trì các phương pháp không khác nhiều so với dạy trực tiếp như dựa trên tình huống, thảo luận, làm bài tập nhóm, phản biện, thuyết trình. Với môn học Quản trị Marketing, thay vì học nhóm, thảo luận trực tiếp, các bạn sẽ sử dụng các ứng dụng làm việc nhóm online để trao đổi.

“Thông thường, khi làm việc nhóm, mỗi sinh viên sẽ chuẩn bị tốt phần việc được giao của mình. Với học trực tuyến, tôi không gọi các em trình bày theo phân công của nhóm. Giảng viên sẽ ấn định thứ tự hoặc chọn người trình bày khác so với dự kiến của nhóm. Cách làm này sẽ buộc sinh viên không những hoàn thành tốt phần việc của mình mà phải nắm được nội dung của các thành viên khác”, PGS  Lê Văn Huy cho biết.

Theo PGS.TS Lê Văn Huy, trong điều kiện dạy học trực tiếp, khi thuyết trình trên lớp, giảng viên có thể quan sát hoặc đặt một số câu hỏi để có thể nắm bắt được mức độ hiệu quả. Nhưng trên không gian trực tuyến, sự quan sát này sẽ hạn chế hơn.

TS Nguyễn Ngọc Tuyền – Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) - so sánh: “Cách tổ chức cho sinh viên làm việc nhóm ở trên lớp không khác gì khi dạy học trực tiếp cả. Giảng viên sẽ giao nội dung trước cho sinh viên chuẩn bị. Không phải một em đại diện trình bày cho cả nhóm mà thành viên nào cũng phải phát biểu. Như vậy, dựa trên mức độ nắm bắt của từng em để chấm điểm chứ không có một mức điểm cho tất cả thành viên của nhóm. So với dạy học trực tiếp thì việc sinh viên thuyết trình theo nhóm khi học trực tuyến có một số thuận lợi hơn nếu giảng viên có sự dẫn dắt tốt. Chất lượng âm thanh khi học trực tuyến sẽ đồng đều, không như ở lớp học trực tiếp, một số bàn phía trước sẽ khó nghe rõ phần trình bày của những bạn ngồi dãy sau cùng.

Học trực tuyến không chỉ nên dừng ở việc sinh viên chỉ tham gia vào lớp học, tự mình tương tác với giảng viên và tự tìm hiểu một mình. Với việc làm việc nhóm, trao đổi, tương tác với nhau trên không gian mạng, sẽ giúp sinh viên có thể hỗ trợ, bổ sung được kiến thứ cho nhau hiệu quả. Đây còn là cách giúp cải thiện khả năng làm việc nhóm.

Sinh viên các chương trình quốc tế của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng giao lưu trực tuyến.
 Sinh viên các chương trình quốc tế của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng giao lưu trực tuyến. 

Online khi chưa thể offline

TS Phạm Công Hiệp, giảng viên cao cấp Trường Đại học RMIT, chia sẻ rằng, ông và các đồng nghiệp đã áp dụng khung nghiên cứu mang tên Community of Inquiry (tạm dịch: Cộng đồng khảo cứu) tập trung vào ba yếu tố của hiện diện trực tuyến: Người dạy, nhận thức và yếu tố xã hội.

Trong đó, hiện diện yếu tố xã hội xoay quanh việc giúp người học trực tuyến kết nối với cả nhóm bằng cách tạo bối cảnh học tập tương tự như lớp học ngoài đời thật. Theo nhóm nghiên cứu thì quy mô lớp học lớn và việc thiếu các mối quan hệ cá nhân được xác lập từ trước là những lý do chính của việc thiếu giao lưu trong lớp học trực tuyến. Những sinh viên không quen biết nhau sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi làm việc nhóm.

Chính vì vậy, TS Nguyễn Ngọc Tuyền chia lớp học thành những nhóm học tập có quy mô nhỏ, từ 4 - 6 em/nhóm. Giảng viên sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm, có hướng dẫn bổ trợ để sinh viên cùng làm việc.

“Công tác chuẩn bị tiêu tốn nhiều thời gian nhưng nhóm sẽ thuận lợi và chủ động trước các tình huống hoặc những câu hỏi phản biện của cô giáo hoặc các nhóm khác đưa ra. Vì là môn dịch nên phải chi tiết từng câu một; mỗi cá nhân lại có cách dịch khác nhau với một số từ nên phải tranh luận rồi mới thống nhất được theo ý kiến số đông”, Trâm chia sẻ.

Lê Hoàng Bảo Trâm – lớp 19CNH01, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) - cho biết: “Để làm bài tập nhóm trong điều kiện học trực tuyến, chúng em phải thống nhất được khung giờ để vừa đảm bảo được không gian yên tĩnh. Vấn đề lớn nhất khi làm việc nhóm online có lẽ là truyền tải ý kiến, có khi do chất lượng mạng kém mà mình nói các bạn còn lại không nghe được. Hoặc nhắn trong nhóm chat thì nhiều tin nhắn quá nên trôi đi, cũng khó nắm hết ý của nhau”.

Để chuẩn bị cho một tiết giảng của môn học Lý thuyết dịch của cô giáo Nguyễn Ngọc Tuyền, nhóm của Bảo Trâm sẽ phân chia nội dung cho từng thành viên. Sau khoảng 3 – 4 ngày làm để từng cá nhân có thời gian tìm hiểu, chuẩn bị, nhóm sẽ online để họp. Có những lần bài khó, dài nhưng buộc phải làm thật chi tiết, nhóm kéo dài thời gian thảo luận từ 21 giờ đến 12 giờ mới tạm thống nhất.

Hà Phạm Bích Trâm – ngành Khoa học y sinh (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng) là đồng tác giả được bài báo về SARS-CoV-2 đăng trên tạp chí Khoa học quốc tế Journal of Infectinon and Public Hearth thuộc hệ thống xuất bản uy tín của thế giới: ELSEVIER.

Chia sẻ về quá trình làm việc nhóm theo hình thức online, Trâm cho biết: “Có  những dữ kiện mà nhóm phải tranh cãi cả tuần mới có được sự thống nhất như viện dưỡng lão thì nên đưa vào tiêu chí phân loại là nơi cư trú hay là bệnh viện. Vừa lệch múi giờ, mỗi người trong nhóm nghiên cứu lại có những công việc riêng nên đôi khi có những tin nhắn mình gửi lên mà vài tiếng đồng hồ sau mới nhận được câu trả lời”.

Không chỉ trong học tập, làm việc nhóm cũng là một trong những hình thức làm việc phổ biến trong quá trình làm việc sau này. Do đó, nếu sinh viên làm việc chuyên nghiệp ngay từ khi còn học đại học thì sẽ nhanh chóng bắt nhịp được với công việc và hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, một người có năng lực làm việc nhóm cũng phát triển năng lực trình bày ý kiến, thuyết trình, thuyết phục, lắng nghe, nhẫn nại và vượt khó. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ