Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cần định vị mình đang ở đâu?

GD&TĐ - Đó là ý kiến gợi mở của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương vào sáng 10/12.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong buổi làm việc với Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong buổi làm việc với Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách. Bộ trưởng dành nhiều thời gian để chia sẻ về định hướng tương lai của nhà trường.

“Miền đất” cho các trường đào tạo nghệ thuật

“Mong rằng chúng ta xác định con đường đi phù hợp nhất, thể hiện được lợi thế của mình, đi bằng đúng sở trường để đi xa nhất và thành công nhất” – Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ còn có các cuộc làm việc tiếp theo với Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương về định hướng phát triển của trường.

Theo Bộ trưởng, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cần định vị mình đang ở đâu, vị trí nào trong hệ thống đào tạo, nghiên cứu nghệ thuật của Việt Nam và thế giới. Đồng thời nhìn nhận đầy đủ sở trường, sứ mệnh, thuận lợi, cũng như thách thức đặt ra trong trước mắt và lâu dài. Từ đó, phân tích cơ hội và đặt ra tầm nhìn cho 10-20 năm sau.

Chia sẻ về xu thế đổi mới giáo dục lấy phát triển con người làm trọng tâm, về bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông đang diễn ra mạnh mẽ với việc các môn Mỹ thuật, Âm nhạc thành môn học chính thức và bối cảnh của đất nước khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, Bộ trưởng cho rằng, đó chính là “miền đất” cho các trường đào tạo nghệ thuật.

Phân tích cụ thể về lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi cần nhiều năm nữa để đào tạo đủ số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy các môn nghệ thuật, Bộ trưởng nhấn mạnh: Trách nhiệm đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ ngày càng đòi hỏi cao, đòi hỏi nhiều, đòi hỏi lớn.

Do đó, sự phát triển đào tạo giáo viên nghệ thuật trước mắt và sau này phải là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường, không được phép rời xa, không được phép nghi ngờ.

PGS.TS Đào Đăng Phượng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương báo cáo tại buổi làm việc.

PGS.TS Đào Đăng Phượng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương báo cáo tại buổi làm việc.

Trao đổi về định hướng phát triển lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cần xác định sở trường thật chắc là lĩnh vực nghệ thuật và rèn nghề là định hướng lớn.

Trong đó, cần tiếp tục mở rộng ngành nghề để bao phủ hết lĩnh vực nghệ thuật, tăng cường hàm lượng nghiên cứu và học thuật có tính hàn lâm, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ nhu cầu xã hội.

Mục tiêu phấn đấu từng ngành nghề, lĩnh vực phải đạt đến mẫu mực về chất lượng đào tạo cũng là vấn đề Bộ trưởng đặt ra với Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trong định hướng phát triển tương lai.

Trước thực tế còn nhiều khó khăn, song với quan điểm “phải thống nhất tầm nhìn”, Bộ trưởng kỳ vọng, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương sẽ đặt ra những ý tưởng lớn, nghĩ đến một hệ thống có tầm vóc để phát triển, từng bước thoát ra khỏi hiện trạng thiếu thốn, manh mún về cơ sở vật chất hiện nay.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gợi mở về định hướng phát triển Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gợi mở về định hướng phát triển Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Bộ trưởng mong các thầy có nguồn cảm hứng lớn, khát vọng về sự phát triển. Đối với hệ thống đại học, đổi mới sáng tạo trường nào cũng cần, nhưng đối với một trường nghệ thuật, tính đổi mới, sáng tạo càng cần thiết.

Phấn đấu tăng quy mô đào tạo từ 20 đến 30%/năm

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương được thành lập năm 2006 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương. Trường có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác, PGS.TS Đào Đăng Phượng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương – cho biết, hiện nhà trường đang đào tạo 13 ngành/chuyên ngành đại học, 4 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 2 ngành đào tạo tiến sĩ và 1 mã ngành đào tạo trung cấp.

Nhà trường có hơn 5.200 học viên, sinh viên. Trong đó có gần 4.500 sinh viên hệ đại học, 242 học viên cao học, 26 nghiên cứu sinh.

Trong thời gian tới, nhà trường phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo theo hướng ứng dụng và nghiên cứu khoa học chất lượng cao về lĩnh vực văn hoá, giáo dục nghệ thuật, được xếp hạng trong nước, khu vực và quốc tế. Đồng thời, thực hiện tốt trách nhiệm kết nối vì sự phát triển cộng đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác thăm phòng truyền thống của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác thăm phòng truyền thống của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng đặt mục tiêu xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra theo nhu cầu xã hội, phù hợp với năng lực của Nhà trường, đồng thời hướng tới hiện đại hóa trong đào tạo, hội nhập với khu vực và quốc tế. Mặt khác, mở các mã ngành đào tạo, hiện đại hóa các chương trình đào tạo. Phấn đấu, hàng năm tăng quy mô đào tạo từ 20 đến 30%.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT đã có những trao đổi xung quanh kiến nghị, đề xuất cũng như định hướng phát triển của trường; trong đó nhấn mạnh về mô hình, cơ cấu tổ chức, lộ trình mở rộng quy mô; công tác tuyển sinh; hoạt động nghiên cứu khoa học; chế độ làm việc của đội ngũ giảng viên và triển khai một số dự án…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ