Trường Đại học Nông Lâm TPHCM phải xác định được sở trường trong đào tạo

GD&TĐ - Chiều 23/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Trường Đại học Nông Lâm TPHCM.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT; cán bộ chủ chốt của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM.

Thu nhập thấp nhất của giảng viên 6,5 triệu đồng/tháng

PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng nhà trường đã giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành, thành tựu và định hướng của trường.

PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng nhà trường. Ảnh: Mạnh Tùng

PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng nhà trường. Ảnh: Mạnh Tùng

Trường Đại học Nông Lâm TPHCM có gần 70 năm hình thành và phát triển. Hiện trường có 36 ngành, 60 chuyên ngành bậc đại học; 16 chuyên ngành thạc sĩ và 12 chuyên ngành tiến sĩ.

Trường có 786 viên chức, người lao động; trong đó giảng viên là 602 người với 5 giáo sư, 31 phó giáo sư và 119 tiến sĩ.

Tính đến hiện nay, trường đã có 12 chương trình được đánh giá đạt chuẩn AUN-QA (ASEAN University Network-Quality Assurance), bao gồm các chương trình: Thú y (chu kỳ 2), Công nghệ Thực phẩm (chương trình tiên tiến, chu kỳ 2), Kinh tế nông nghiệp, Cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, Nông học, Công nghệ sinh học, Nuôi trồng thuỷ sản, Công nghệ kỹ thuật hoá sinh, Kỹ thuật môi trường, Chế biến lâm sản, Ngôn ngữ Anh, Quản lý đất đai.

Trường Đại học Nông Lâm TPHCM nhận chứng nhận các chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA, chiều 23/2. Ảnh: Mạnh Tùng

Trường Đại học Nông Lâm TPHCM nhận chứng nhận các chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA, chiều 23/2. Ảnh: Mạnh Tùng

Nhà trường cũng đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Về công bố trong nước, nhà trường có 623 bài báo trên tạp chí khoa học, 13 báo cáo khoa học tại hội thảo/hội nghị trong nước. Về công bố quốc tế, trường có 627 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế (ISI, Scopus, khác) và 66 báo cáo khoa học tại hội thảo, hội nghị.

Trường cũng có 38 dự án quốc tế, 202 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp; định hướng thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo.

Hiệu trưởng Nguyễn Tất Toàn cho biết, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM là một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu, chuyển giao trong lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, khẳng định vị thế, uy tín ở trong và ngoài nước.

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng nhà trường báo cáo một số nội dung về hoạt động của trường. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng nhà trường báo cáo một số nội dung về hoạt động của trường. Ảnh: Mạnh Tùng

Nhà trường đã xác định sứ mạng đến năm 2035 là một trường đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn tốt và tư duy sáng tạo; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, phổ biến, chuyển giao tri thức-công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam và khu vực.

“Trường Đại học Nông Lâm TPHCM sẽ tiếp tục phấn đấu trở thành trường đại học hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực có nhân cách tốt, chuyên môn cao, tư duy sáng tạo, có năng lực quản trị, định hướng hoạt động ngành nghề và hội nhập quốc tế mạnh mẽ trong đa dạng các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp cho Việt Nam và khu vực”, ông Nguyễn Tất Toàn cho biết.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính nhà trường báo cáo với Bộ trưởng về tình hình thu nhập của giảng viên. Ảnh: Mạnh Tùng
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính nhà trường báo cáo với Bộ trưởng về tình hình thu nhập của giảng viên. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt ra 3 vấn đề với lãnh đạo nhà trường: Tỷ lệ sinh viên nhập học vào trường theo từng khu vực; Mức thu nhập của giảng viên nhà trường hiện nay; Tỷ lệ nguồn thu từ khoa học công nghệ trong tổng nguồn thu của trường.

Đại diện nhà trường cho biết, thu nhập thấp nhất của giảng viên trường hiện ở mức 6,5 triệu đồng/tháng. Nguồn thu của khoa học công nghệ đóng góp khoảng 3% tổng nguồn thu.

Theo số liệu thống kê của trường năm 2023, tỷ lệ sinh viên nhập học cao nhất là Đông Nam Bộ với 47,7%; Đồng bằng sông Cửu Long 32,1%; các tỉnh miền trung 16,1%; Tây Nguyên 6,4% và còn lại ở các tỉnh miền Bắc.

Nhiều lãnh đạo vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT cũng trao đổi với lãnh đạo nhà trường về công tác tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chất lượng.

Xác định lại định hướng đa ngành, đa lĩnh vực

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị trường xác định lại định hướng đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó trường phải xác định được điểm mạnh, điểm đặc sắc nhất, sở trường và cốt lõi của mình.

Việc mở rộng ngành, lĩnh vực không quá rời xa lĩnh vực sở trường, thế mạnh truyền thống của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng

Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý nhà trường về định hướng trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu. Bởi theo Bộ trưởng, con đường này vừa xa vừa khó và chưa chắc đã phù hợp.

“Nên xác định định hướng tính chất của trường là một trường đại học công nghệ, kỹ thuật. Với tính chất đó, chúng ta đang lấy đào tạo kỹ sư là mảng quan trọng. Không trường nào lấy đào tạo kỹ sư là mảng quan trọng mà đi theo định hướng nghiên cứu", Bộ trưởng phân tích.

Ngoài ra, một trường đại học nghiên cứu cần tỷ lệ đào tạo sau đại học tới 50%. Với quy mô 1.200 học viên sau đại học trên tổng quy mô 20.000 người học hiện có, nhà trường còn cách quá xa tỷ lệ 30%-50% tỷ lệ sau đại học thông thường của một trường đại học nghiên cứu.

Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo Trường nghiên cứu, tái sắp xếp các chương trình, ngành nghề đào tạo trên cơ sở nhu cầu người học, nhu cầu việc làm của xã hội.

Định hướng phát triển của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM để hoàn thành sứ mạng mới đến năm 2035 là: Thúc đẩy chương trình đào tạo nâng cao, liên kết đào tạo quốc tế, mở mới các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu đỉnh cao với các thế mạnh đặc thù của trường; Phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất chung của nhà trường; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự phục vụ đào tạo, nghiên cứu và hỗ trợ; Đẩy mạnh quốc tế hóa đại học, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp; Đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng, cụ thể qua kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA/quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.