Cho nợ học phí
Sớm triển khai giải pháp cho phép sinh viên kéo dài thời gian nợ học phí, có thể kể đến Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh (NLU). Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng NLU, ngay khi Bộ GD&ĐT phát động, thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19, nhà trường đã quyết định cho phép những sinh viên còn nợ học phí học kỳ cũ vẫn được đăng ký môn học cho học kỳ mới.
“Trước đây, sinh viên phải hoàn tất các khoản nợ trước mới có thể đăng ký. Hiện nay, do dịch bệnh, trường cũng gặp khó khăn song nhiều gia đình còn khó khăn hơn. Nếu chỉ vì chưa kịp đóng học phí do dịch Covid-19 mà sinh viên bị chậm tiến độ học tập thì rất thiệt thòi, nên trường muốn tạo điều kiện cho các em”, TS Trần Đình Lý chia sẻ.
Tại Trường ĐH Văn Lang (VLU, TP Hồ Chí Minh), theo TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2021 - 2022, học phí khóa cũ không tăng theo lộ trình. “Quan điểm của trường là làm sao giữ ổn định hoặc thấp hơn năm cũ, để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến người học”, TS Võ Văn Tuấn chia sẻ.
Đồng thời trong thông báo về đóng học phí của VLU cũng cho phép sinh viên được gia hạn việc đóng học phí. Trong trường hợp không thể đóng học phí đúng hạn vì lý do đặc biệt khó khăn, sinh viên làm đơn đề nghị gia hạn thời gian đóng học phí. Trong đơn, sinh viên cần trình bày lý do trễ hạn và có cam kết của phụ huynh.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (IUH) cũng quyết định gia hạn đóng học phí cho khoảng 10.000 sinh viên. Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo IUH, thông thường sinh viên đóng học phí từ tháng 8 khi năm học mới bắt đầu. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, nhà trường quyết định cho các em kéo dài thời gian đóng học phí đến khi thi giữa kỳ, dự kiến là cuối tháng 9.
“Tổng số học phí được gia hạn vào khoảng 100 tỷ đồng. Những khoản học phí đầu năm học sẽ được các trường sử dụng vào mục đích tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, trả lương cho cán bộ giảng viên, chi phí mặt bằng, điện nước… Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, hy vọng chính sách chia sẻ của trường giúp sinh viên bớt những gánh nặng”, TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.
Không tăng học phí, mở rộng nguồn học bổng
Việc không tăng học phí theo lộ trình đối với các trường đại học công lập tự chủ về tài chính cũng là một áp lực không nhỏ trong việc bảo đảm chất lượng và phát triển. Theo TS Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (HCMUTE), năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, nhà trường không những không tăng học phí, mà còn giảm 3%. Đồng thời, trường dành 2% học phí hỗ trợ sinh viên khó khăn.
Là cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ về tài chính, trong học kỳ hè vừa qua, Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã giảm 5% học phí cho sinh viên. IU cũng là trường nằm trong số ít các đơn vị có giảm học phí cho sinh viên. Theo PGS.TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng nhà trường, học phí của IU trong năm học 2021 - 2022 được giữ nguyên như năm trước, mặc dù đề án học phí của trường được duyệt tăng 5%.
“Hiện trường cho sinh viên khó khăn nợ một phần học phí. Những sinh viên khó khăn vì Covid-19 đã có hỗ trợ theo hoạt động chung của ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Khi các em đăng ký, trường giúp bằng quà hoặc tiền hỗ trợ khó khăn đột xuất”, Hiệu trưởng IU chia sẻ.
Ngoài chính sách hỗ trợ học phí của Nhà nước, ở mỗi trường còn có một số chính sách riêng như giảm học phí cho anh chị em ruột học cùng trường, học bổng đầu vào có giá trị lớn, học bổng cho sinh viên vượt qua kỳ thi tuyển đạt điểm xuất sắc...
Tại Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai), học phí trung bình các ngành khoảng 28 triệu đồng/năm học. Học phí này duy trì trong suốt quá trình học của sinh viên và không phát sinh thêm bất cứ khoản phí nào khác. Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU, đồng cảm với những khó khăn của sinh viên và khích lệ thí sinh có thành tích cao trong học tập, năm học 2021 - 2022, nhà trường tặng 2.000 suất học bổng, trị giá 22 tỷ đồng cho tân sinh viên khóa 2021 trúng tuyển vào trường.
N.T.B.L (sinh viên năm 3, ngành Ngôn ngữ Anh, LHU) cho biết: “Nhờ các học bổng của trường em vượt qua 2 năm học khá suôn sẻ. Học bổng đầu vào giúp em trả học phí học kỳ đầu tiên, sau đó khi kết thúc học kỳ I, em đạt điểm tốt nên tiếp tục nhận học bổng khuyến khích học tập hằng năm, đủ cho học phí kỳ sau…”.
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh (HUFI), ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh HUFI cho hay: Học phí của học kỳ I năm 2021 - 2022 các khóa cũ được giảm 5%. Còn học phí đối với tân sinh viên, nhà trường vẫn giữ nguyên như năm 2021 và có chính sách giảm học phí cho các đối tượng chính sách, gia đình có con sinh đôi, điều kiện khó khăn (có giấy của địa phương). Đặc biệt các tân sinh viên được đóng trước 50% hoặc 75% số học phí để nhập học, sau đó các em sẽ đóng dần phần còn lại trong học kỳ I.
“Chương trình này nhằm giúp cho sinh viên có điều kiện để học tập và nghiên cứu trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay. Bên cạnh đó, nhà trường đã dành hơn 40 tỷ đồng để trao học bổng và các khoản hỗ trợ cho sinh viên các khóa”, ThS Phạm Thái Sơn trao đổi.