Trường Đại học Ngân hàng TPHCM có tỷ lệ giảng viên trình độ Tiến sĩ đạt 55%

GD&TĐ - Trường Đại học Ngân hàng TPHCM hiện có 200 GS, PGS, Tiến sĩ, chiếm tỷ lệ hơn 55% tổng số giảng viên toàn trường.

Trường Đại học Ngân hàng TPHCM vinh danh 12 thầy cô đạt học hàm GS, PGS năm 2024 tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Mạnh Tùng
Trường Đại học Ngân hàng TPHCM vinh danh 12 thầy cô đạt học hàm GS, PGS năm 2024 tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Mạnh Tùng

Số liệu trên được công bố tại lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam do Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức sáng 20/11.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, thời gian qua, với sự đồng lòng, quyết tâm của của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, sinh viên và học viên, nhà trường đã đạt nhiều kết quả trong mọi mặt hoạt động.

Trong đó, điểm nhấn là thành quả về phát triển đội ngũ nhân sự.

pgs-ts-nguyen-duc-trung.jpg
PGS.TS Nguyễn Đức Trung phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại buổi lễ, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức vinh danh, chúc mừng 12 giảng viên của nhà trường được chính thức công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS theo quyết định số 89 của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngày 19/11/2024.

Trong đó, PGS.TS Đặng Văn Dân, Trưởng bộ môn Tài chính tiền tệ, Khoa Tài chính được công nhận đạt chuẩn chức danh GS.

Năm 2024, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cũng là trường đông giảng viên nhất được công nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư trong khối ngành Kinh tế.

Đồng thời, nhà trường cũng tuyển dụng mới 6 GS, PGS. Từ đó, số lượng GS, PGS hiện có gấp 2 lần so với năm 2023.

Tính chung đến thời điểm này, nhà trường hiện có đội ngũ 200 GS, PGS, Tiến sĩ, nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ lên 55%, cao hơn nhiều so với mức bình quân của Việt Nam (33,5% theo thống kê năm 2024 của Bộ GD&ĐT - PV).

Trong đó, nhà trường có 2 GS, 36 PGS - phần lớn là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực về Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính.

“Quan trọng hơn, đội ngũ chất lượng cao này được phát triển đồng đều ở tất cả các lĩnh vực đào tạo của trường. Điều này giúp phục vụ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số cho đất nước và ngành ngân hàng, cũng như việc đào tạo liên ngành và đa lĩnh vực của nhà trường”, PGS. TS Nguyễn Đức Trung đánh giá.

giao-su.jpg
Nhà trường vinh danh PGS.TS Đặng Văn Dân (giữa), vừa được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngoài phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cũng đạt nhiều kết quả quan trọng trong kiểm định chất lượng đào tạo.

Nhà trường đã kiểm định 100% chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế AUN – QA và chuẩn Việt Nam - MOET.

Trường Đại học Ngân hàng TPHCM đã hoàn thành những bước cuối cùng để kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo chuẩn quốc tế AUN-QA vào tháng 6/2025, trở thành top 3% trường đạt chuẩn kiểm định quốc tế cấp cơ sở giáo dục trong gần 300 cơ sở tại Việt Nam.

ky-niem-chuong.jpg
Các thầy cô nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong các chương trình đào tạo, chuyển đổi số được đẩy mạnh, đảm bảo sự đa dạng về lĩnh vực đào tạo.

Việc này thể hiện qua các ngành Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ tài chính (Fintech), Khoa học dữ liệu, Digital Marketing và truyền thông đa phương tiện, Digital Accounting, Digital Banking và Blockchain; Thương mại điện tử, Hệ thống thông tin và chuyển đổi số, Kinh tế và kinh doanh số...

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, nhà trường đã đảm bảo đúng định hướng 3 trục lĩnh vực: Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, Xã hội nhân văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.