Ký túc xá được thiết kế theo phong cách hiện đại, tiện nghi, được xây dựng trên diện tích đất hơn 2.700 m2.
Giai đoạn 1 của ký túc xá rộng 1800 m2 sàn, có 1 trệt và 5 tầng lầu với 54 phòng. Mỗi phòng có diện tích từ 16-20 m2 như một căn hộ thu nhỏ, được trang bị bếp, chỗ để máy giặt, máy lạnh.
Dự kiến mỗi phòng có thể cho 4-6 sinh viên ở chung. Ký túc xá cũng có dịch vụ căn tin dành cho sinh viên không nấu ăn, dịch vụ giặt sấy, sân thể thao và khu để xe.

Chủ đầu tư cam kết đến cuối tháng 9/2025 sẽ đón đợt sinh viên đầu tiên vào ở, đồng thời vận hành toàn bộ về chỗ ở và tiện ích vào dịp 20/11/2025.
Sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xã hội hóa kêu gọi, hợp tác doanh nghiệp để đầu tư các công trình cải thiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và tạo môi trường sinh hoạt, học tập cho sinh viên.
Cơ sở 3 của Trường Đại học Luật tại phường Long Phước, TP Thủ Đức cũng sẽ hoạt động đồng bộ vào năm học 2025 - 2026.

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, cho rằng việc xây dựng ký túc xá mới không chỉ giải quyết vấn đề chỗ ở cấp thiết cho sinh viên khi cơ sở 3 của trường đi vào vận hành đồng bộ, mà còn góp phần tạo dựng một môi trường sống an toàn, tiện nghi, hỗ trợ các em trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường.
"Hiện nay, chưa có nhiều trường đại học thực hiện được việc hợp tác, xã hội hóa các công trình ký túc xá cho sinh viên. Vì vậy, công trình này có thể được coi là một mô hình mẫu để chia sẻ, nhân rộng nhằm thu hút thêm nguồn lực xã hội hoá, đóng góp vào quá trình phát triển của các cơ sở đại học", TS Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cũng cho biết trong thời gian tới chủ trương này sẽ tiếp tục được nhà trường triển khai thực hiện khi xây dựng phân hiệu tại Nha Trang (Khánh Hòa) và cơ sở tại Đà Lạt (Lâm Đồng).