Trường Đại học Giao thông vận tải kỷ niệm 62 năm ngày thành lập

GD&TĐ - Sáng 20/3 tại Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải làm lễ kỷ niệm 62 năm ngày thành lập và đón nhận các danh hiệu cao quý.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các giảng viên.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các giảng viên.

Tham dự buổi lễ có PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; Lãnh đạo các địa phương, cùng đông đảo các thế hệ giảng viên, sinh viên nhà trường.

Diễn văn của GS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT đã ôn lại lịch sử, tiền thân là trường Công Chính Đông Dương thành lập năm 1902, là một trong những trường đào tạo bậc cao đầu tiên được thành lập tại Đông Dương. Từ ngôi trường này, nhiều kĩ sư, nhà văn hóa, nhà cách mạng lớn người Việt đã học tập, trưởng thành, nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, trở thành những nhà giáo, nhà văn hóa, kĩ sư nổi tiếng, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Chặng đường xây dựng và phát triển nhà trường đã ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng, trong kháng chiến chống Pháp, thầy và trò nhà trường luôn tích cực vừa tham gia phục vụ kháng chiến, vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho ngành giao thông, thủy lợi và bưu điện. Khi hòa bình lập lại tại miền Bắc, trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực GTVT, phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, chi viện cho miền Nam ruột thịt.

GS.TS Nguyễn Ngọc Long ôn lại chặng đường lịch sử phát triển của nhà trường.

GS.TS Nguyễn Ngọc Long ôn lại chặng đường lịch sử phát triển của nhà trường.

Ngày 24 tháng 3 năm 1962, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 42/CP thành lập trường đại học Giao thông vận tải, được xác định chính thức là ngày thành lập trường ĐHGTVT, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong lịch sử nhà trường từ đào tạo cán bộ kĩ thuật bậc trung cấp, cao đẳng lên nhiệm vụ đào tạo kĩ sư bậc đại học và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù phải sơ tán qua nhiều địa điểm khác nhau, liên tục phải xây dựng, khôi phục lại cơ sở vật chất, nhưng chưa bao giờ công tác giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường ĐH GTVT bị gián đoạn. Rất nhiều công trình của Nhà trường trong giai đoạn lịch sử này với các giải pháp thông tuyến giao thông ngay tại những cung đường vận tải ác liệt nhất của thời chiến, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp thống nhất đất nước của toàn thể dân tộc.

Đất nước thống nhất, nhà trường đã đồng hành cùng ngành GTVT thực sự đi trước một bước, tạo tiền đề cho sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội. Những công trình, dự án lớn của ngành GTVT trong thời kỳ xây dựng, khôi phục đất nước sau chiến tranh như dự án khôi phục tuyến đường sắt Bắc – Nam, xây dựng cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Thái Bình, cải tạo nâng cấp quốc lộ 1A kết nối các miền của tổ quốc đều có sự đóng góp xứng đáng của Thầy và Trò trường ĐH Giao thông vận tải.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho NGƯT Lê Văn Học, nguyên Hiệu trường nhà trường.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho NGƯT Lê Văn Học, nguyên Hiệu trường nhà trường.

Đặc biệt, thực hiện Đề án đổi mới Giáo dục đại học Việt Nam, trường ĐH GTVT đã chủ động chuyển đổi mô hình đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ, lấy người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Nhà trường thường xuyên tiến hành rà soát, bổ sung, tối ưu hóa nội dung và phương thức đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và từng bước hội nhập quốc tế. Công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để vào tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Công tác chăm lo, phát triển nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ được quan tâm.

Trải qua hơn 120 năm hình thành, phát triển, trong đó có 62 năm thành lập trường đại học, Trường ĐHGTVT đã đào tạo được hàng vạn kỹ sư, cử nhân, hàng ngàn thạc sỹ, tiến sỹ. Ghi nhận những đóng góp nổi bật của nhà trường, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã dành tặng cho tập thể trường ĐHGTVT nhiều huân, huy chương cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (2011); Danh hiệu Anh hùng Lao động (2007); Huân chương Hồ Chí Minh (2005); 2 Huân chương Độc lập Hạng Nhất (2000 và 2015); 3 Huân chương Lao động Hạng Nhất (1982,1990, 2020)

Năm 2023, trường ĐHGTVT là một trong 15 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng trong bảng xếp hạng các trường đại học châu Á của tổ chức Quacquarelli Symonds; đồng thời là trường duy nhất đào tạo lĩnh vực GTVT ở Việt Nam được xếp hạng trong bảng xếp hạng này (vị trí 750). Xét trên mục tiêu của Bộ GD&ĐT khi tiến hành Quy hoạch mạng lưới giáo dục Việt Nam là có ít nhất 20 lĩnh vực có mặt trong bảng xếp hạng quốc tế có uy tín thì trường ĐHGTVT là đại diện duy nhất của lĩnh vực GTVT được xếp hạng quốc tế. Trường cũng là trường có thứ hạng cao nhất trong các trường ĐH toàn quốc có đào tạo lĩnh vực GTVT trong các bảng xếp hạng quốc tế khác như Webometrics.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ