Trường đại học giả nở rộ ở Ấn Độ

GD&TĐ - Các trường đại học tư nhân kém chất lượng, không được cấp bằng đang mọc lên như nấm ở Ấn Độ.

Nhiều trường đại học không được cấp bằng tại Ấn Độ vẫn tuyển sinh.
Nhiều trường đại học không được cấp bằng tại Ấn Độ vẫn tuyển sinh.

Các trường đại học tư nhân kém chất lượng, không được cấp bằng đang mọc lên như nấm ở Ấn Độ. Tình trạng này khó giải quyết vì khoảng cách giữa cung và cầu trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Đầu tháng 10, Ủy ban Tài trợ Đại học Ấn Độ (UGC) đã công bố danh sách 20 cơ sở giáo dục đại học giả mạo là những trường chưa được cơ quan giáo dục cấp phép và không được cấp bằng. UGC cảnh báo học sinh không đăng ký vào những trường này.

Theo các chuyên gia giáo dục Ấn Độ, hiện tượng trường đại học giả mọc lên như nấm là vấn đề phổ biến và là dấu hiệu mất cân bằng lớn giữa cung và cầu trong lĩnh vực giáo dục đại học nước này. Bất chấp các cuộc rà quét của chính phủ, các trường kém chất lượng vẫn phát triển vì luôn có một nhóm dân số trẻ sẵn sàng đăng ký.

GS Saikat Majumdar, giảng viên Tiếng Anh tại Đại học Ashoka cho biết: “Trong nhóm sinh viên không đỗ vào hệ thống giáo dục công lập, những người có điều kiện gia đình khá giả chọn du học. Số còn lại đăng ký vào các cơ sở giáo dục có vấn đề”.

Theo ông Majumdar, tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ ngày càng mở rộng. Họ có đủ khả năng chi trả cho con cái theo học các trường ngoài công lập nên công lập không phải con đường duy nhất. Hơn nữa, nhiều người thích cho con học ngoài công lập vì mức độ cạnh tranh của các trường không khốc liệt như công lập.

Ngoài ra, phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu bị ám ảnh về nhu cầu có việc làm ổn định nên họ dễ dàng tin vào những hứa hẹn hão huyền của các trường giả mạo như có việc làm ngay sau khi ra trường, được thực tập ở các công ty lớn... Do đó, yếu tố cơ cấu xã hội và kinh tế là nguyên nhân chính khiến các trường đại học vẫn có cơ hội tồn tại.

Còn GS Shruti Kapila, giảng viên Lịch sử và Chính trị tại Đại học Cambridge, Anh, nhìn nhận: “Giáo dục là một ngành dễ sinh lời nhưng không có tiêu chuẩn rõ ràng ở Ấn Độ. Bất cứ doanh nhân nào cũng có thể thành lập tổ chức giáo dục tư nhân nên chất lượng của các cơ sở không được kiểm soát”.

Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên lên tới gần 40% cũng góp phần khiến trường giả phát triển. Nhiều người trẻ quyết định tiếp tục học thay vì bước vào thị trường lao động vì cơ hội tìm việc làm mong manh.

Hiện nay, một số bang đã áp dụng biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng do chưa có quy định cụ thể hóa từ chính phủ nên việc mỗi bang áp dụng một quy định khác nhau sẽ không đem lại hiệu quả.

“Các cơ chế quản lý và đảm bảo chất lượng không có tính thống nhất trên toàn quốc nên các tổ chức tư nhân kém chất lượng được đà phát triển”, bà Mousumi Mukherjee, Phó Giám đốc Viện Quốc tế về Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Xây dựng Năng lực, Đại học Toàn cầu OP Jindal, nhìn nhận.

Dự đoán tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn, GS Majumdar cho biết: “Giáo dục đại học công lập đang suy yếu tại Ấn Độ trong khi vị thế của các trường ngoài công lập được nâng lên. Trong bối cảnh đó, sẽ luôn có chỗ cho ‘hàng giả’”.

Theo bà Shruti, chất lượng của các trường đại học cũng là kẽ hở cho trường giả “trà trộn”. Trong khi chỉ tiêu của các trường công quá thấp dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh khốc liệt thì ở các trường tư thục chất lượng cao, học phí là quá đắt đỏ. Những gia đình trung lưu và khó khăn sẽ không thể giành được suất học ở một trong hai trường này.

Theo THE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ