Dự án đặc biệt
Ý tưởng dự án thiết lập bố trí trang thiết bị cho phòng sinh hoạt chung có sự cân nhắc về giới cho giảng viên, cán bộ và sinh viên Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) của chị Vũ Thị Quý được khởi nguồn từ những ngày học tập tại Úc. Tham gia khóa Học bổng ngắn hạn chính phủ Australia “Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo”, chị Quý có khoảng thời gian 6 tuần học tập tại Trường ĐH Flinders (thành phố Adelaide, bang Nam Australia). Những gì được trải nghiệm ở phòng sinh hoạt chung tại Úc đã gây ấn tượng đặc biệt với chị.
“Đi học bên Úc, tôi thấy các trường ĐH đều có phòng sinh hoạt chung để mọi người được nghỉ ngơi, sử dụng máy tính để làm việc, có bếp, tủ lạnh, lò vi sóng… để hâm nóng thức ăn mang theo hay nấu món ăn tại chỗ. Tôi chợt nghĩ tại sao không làm một phòng sinh hoạt chung giống như vậy ở ngôi trường có tới 600 cán bộ giảng viên nơi tôi đang công tác? Và từ đó, ý tưởng nhen nhóm dần thành một dự án của riêng tôi sau khi kết thúc khóa học” - TS Vũ Thị Quý kể.
Dự án của chị Quý có phần đặc biệt so với dự án của các chị em khác trong cùng hành trình khi liên quan đến cơ sở vật chất - đúng với công việc của chị đang làm mỗi ngày. Mục tiêu chị Quý đưa ra là làm 2 phòng sinh hoạt chung, 2 phòng dành riêng phục vụ nữ giới bố trí ở tòa nhà trung tâm và 2 giảng đường lớn - nơi có nhiều học viên nữ bảo vệ luận văn, luận án nhưng không có chỗ riêng để người thân và bản thân học viên chăm sóc con cái và có không gian riêng cho bản thân trong khi đợi bảo vệ trước hội đồng.
Bài toán duy trì phòng sinh hoạt chung bền vững
TS Vũ Thị Quý trong căn phòng dự định làm phòng sinh hoạt chung có sự cân nhắc về giới cho giảng viên, cán bộ và sinh viên Trường ĐH Nông Lâm |
Chị Quý chuẩn bị nội dung công phu thuyết trình trước Ban Giám hiệu nhà trường. Trước mắt xin duyệt cho 1 phòng sinh hoạt chung ở tòa nhà chính, hoạt động thành công sẽ tiếp tục xin triển khai các phòng còn lại. Và một loạt câu hỏi được Ban Giám hiệu đặt ra cho chị Quý - cũng là những khó khăn mà chị sẽ phải đối mặt khi theo đuổi dự án này.
Khó khăn đầu tiên liên quan đến kinh phí. Tuy nhiên, phòng sinh hoạt chung phục vụ cho mọi cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường, tất cả mọi người đều được hưởng lợi nên được nhà trường rất ủng hộ. Ban Giám hiệu đồng ý đề xuất đầu tư hơn 500 triệu đồng của chị Quý. Vì không kịp kế hoạch giải ngân từ dự án đầu tư tòa nhà trung tâm nên lãnh đạo nhà trường nhất trí đầu tư cho phòng sinh hoạt chung từ nguồn kinh phí khác trong năm 2019.
Khó khăn thứ hai chính là làm sao duy trì được phòng sinh hoạt chung hoạt động lâu dài. Chị Quý đã tính hết các việc, từ giám sát bằng cách lắp camera, đưa ra quy chế, nội dung liên quan đến thi đua đến khâu quản lý. Nhà trường không cho tuyển thêm người, chị Quý lên kế hoạch sử dụng nhân viên trong phòng Quản trị - Phục vụ. Bản thân chị Quý xác định có thể phải “xắn tay” vào trực tiếp phục vụ ở phòng sinh hoạt chung để duy trì hoạt động của phòng. “Tôi nghĩ các cán bộ, thầy cô của nhà trường sẽ có ý thức sử dụng các tiện ích trong phòng sinh hoạt chung này. Chỉ cần như vậy thôi, phòng sinh hoạt chung sẽ duy trì được hoạt động bền vững”.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Nông Lâm đang tiến tới tự chủ tài chính 100%. Phòng sinh hoạt chung cũng sẽ hướng tới hoạt động tự chủ theo mô hình kinh doanh dịch vụ như một căng tin. Lúc đó, nguồn thu từ phòng sinh hoạt chung sẽ “nuôi” được ít nhất 1 cán bộ để phục vụ. Điểm khác biệt của phòng sinh hoạt chung với các căng tin thông thường là mọi người đến đó dù không mua hàng hóa vẫn được hưởng lợi bình thường khi sử dụng miễn phí nước uống, điều hòa, wifi, có thể mang đồ từ nhà đến ăn - với điều kiện phải dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ sau khi ăn. Hiện BGH đã phê duyệt bản thiết kế phòng sinh hoạt chung ở phòng trống tầng 3 tòa nhà trung tâm nơi có tầm nhìn rất đẹp.
Theo đuổi dự án, kết nối với trường quốc tế
Vẫn tiếp tục học hỏi và tìm một mô hình hoạt động tốt nhất cho phòng sinh hoạt chung tại Trường ĐH Nông Lâm, chị Vũ Thị Quý dự định sẽ kết nối với các chuyên gia Úc để nhờ tư vấn về mô hình quản lý, phân công cán bộ, áp dụng các kỹ năng quản lý trong việc điều hành phòng sinh hoạt chung… Đừng nghĩ quản lý một phòng sinh hoạt chung là “chuyện nhỏ” mà chủ quan, chị Quý cho rằng, cần vận dụng kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng lắng nghe, truyền cảm hứng, động viên nhân viên, kỹ năng giao nhiệm vụ, trao quyền cho cấp dưới và hỗ trợ họ. Đặc biệt người quản lý cần tôn trọng sự khác biệt, hiểu thế nào là phản biện, tư duy phản biện. Có như vậy không chỉ là quản lý phòng sinh hoạt chung mà công tác hàng ngày mới thông suốt, thành công.
Hiện, chị Vũ Thị Quý đang dồn sức cho việc hiện thực hóa phòng sinh hoạt chung trong năm 2019. Các đồng nghiệp trong khóa học Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo ở Trường ĐH Tây Bắc mong muốn ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) triển khai xong phòng sinh hoạt chung sẽ sang học hỏi kinh nghiệm để về tham mưu cho BGH xây dựng mô hình trên đó.