Trường Đại học đầu tiên ở miền Trung công bố tuyển sinh đào tạo thiết kế vi mạch

GD&TĐ - Trường VKU - Đại học Đà Nẵng là Trường ĐH đầu tiên tại miền Trung-Tây Nguyên đã hoàn thành thủ tục mở và tuyển sinh đào tạo Kỹ sư Thiết kế vi mạch.

Trường VKU đã hoàn thành thủ tục mở và tuyển sinh đào tạo Kỹ sư Thiết kế vi mạch. (Ảnh: Hoàng Vinh)
Trường VKU đã hoàn thành thủ tục mở và tuyển sinh đào tạo Kỹ sư Thiết kế vi mạch. (Ảnh: Hoàng Vinh)

Ngày 21/10, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng tổ chức công bố tuyển sinh đào tạo và hội thảo công nghệ vi mạch bán dẫn.

Theo đó, Trường VKU là Trường Đại học đầu tiên tại miền Trung-Tây Nguyên đã hoàn thành thủ tục mở và tuyển sinh đào tạo Kỹ sư Thiết kế vi mạch.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Trường VKU cho rằng, sự kiện này khẳng định vị thế, sứ mệnh của VKU trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin, truyền thông nói chung và công nghệ vi mạch bán dẫn nói riêng.

Lãnh đạo Trường VKU ký kết hợp tác với các doanh nghiệp về nghiên cứu - đào tạo - tuyển dụng ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. (Ảnh: Hoàng Vinh)

Lãnh đạo Trường VKU ký kết hợp tác với các doanh nghiệp về nghiên cứu - đào tạo - tuyển dụng ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. (Ảnh: Hoàng Vinh)

"Sau gần 1 năm chuẩn bị với sự hỗ trợ tích cực từ các giáo sư, chuyên gia và Trường Đại học Kyung Hee Hàn Quốc, cùng các đối tác trường đại học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để mở chương trình đào tạo Kỹ sư Thiết kế vi mạch", Hiệu trưởng Trường VKU chia sẻ.

Chương trình đào tạo sẽ gồm 160 tín chỉ với thời gian đào tạo 4,5 năm gồm: khối kiến thức cơ sở ngành – kiến thức nền tảng và khối kiến thức chuyên ngành – thiết kế vi mạch bán dẫn.

VKU cũng triển khai điều chỉnh chương trình đào tạo và chuyển tiếp sinh viên đang học các ngành gần sang định hướng thiết kế vi mạch bán dẫn, đến năm 2025 sẽ có khóa đầu tiên tốt nghiệp.

Từ năm 2024 – 2027, VKU dự kiến tuyển sinh khoảng 500 chỉ tiêu, chuyển tiếp 180 sinh viên các ngành gần sang Thiết kế vi mạch bán dẫn. Từ năm 2028 trở đi sẽ có sinh viên tốt nghiệp đúng ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngoài việc đào tạo Kỹ sư Thiết kế vi mạch, VKU sẽ triển khai các lớp tập huấn phối hợp doanh nghiệp tuyển sinh và đào tạo từ 60-100 chỉ tiêu hằng năm. Năm 2024, nhà trường sẽ mở chương trình đào tạo Thạc sỹ liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn.

Tại chương trình, đại diện Dự án ODA Hàn Quốc đã công bố lộ trình, hạng mục đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm và nghiên cứu Thiết kế Vi mạch bán dẫn tại VKU trong khuôn khổ dự án ODA – KOICA. Trường VKU cũng tổ chức ký kết hợp tác đào tạo và nghiên cứu vi mạch bán dẫn với các doanh nghiệp trong nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.