Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu nỗi niềm phát triển giai cấp công nhân, phát triển cán bộ công đoàn. Ngày 15 tháng 5 năm 1946, lớp đào tạo cán bộ công vận đầu tiên được khai giảng. Sự kiện này đã mở đầu cho sự hình thành và phát triển của Trường Cao cấp Công Đoàn. Trong chặng đường lịch sử vẻ vang đó, Trường đã vinh dự được 8 lần đón Bác về thăm.
Ngày 19/5, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ban hành Quyết định chuyển tên Trường Cao cấp Công đoàn thành Trường ĐH Công đoàn. Đây là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa chính trị đặc biệt, khẳng định vị thế, thương hiệu của cơ sở đào tạo cán bộ phục vụ cách mạng, phục vụ phong trào công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đến nay, trải qua 30 năm, trường đã trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu lý luận của tổ chức Công đoàn Việt Nam; là thành viên tích cực của hệ thống giáo dục đào tạo Quốc gia.
Trong năm 2021, Nhà trường đăng ký kiểm định 9 chương trình đào tạo trình độ đại học các ngành: Tài chính ngân hàng, Luật, Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực, Kế toán, Xã hội học, Bảo hộ lao động và Quan hệ lao động.
Căn cứ vào 11 tiểu chuẩn, 50 tiêu chí và 150 mốc chuẩn, trường đã được đoàn chuyên gia đánh giá khách quan, chính xác và khẳng định 9 CTĐT đảm bảo tốt yêu cầu chất lượng, trở thành một trong những trường ĐH đầu tiên có 100% chương trình đào tạo được công nhận kiểm định đạt yêu cầu chất lượng.
Đây là cơ hội và tiền đề để thời gian tới, Nhà trường tiến hành kiểm định chất lượng 5 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ; 1 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục lần 2 vào năm 2023.
Nhân dịp này, nhà trường đã bổ nhiệm học hàm PGS cho 2 nhà giáo được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh PGS, nâng tổng số lên 10 PGS trong toàn trường. Đây nguồn nhân lực chất lượng cao, quan trọng cho sự phát triển của trường.