Năm 2016, chỉ có hai trường đại học từ Trung Quốc đại lục lọt vào top 200 thế giới. Đến hôm nay, con số này đã tăng lên bảy trường - dẫn đầu là Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, ngôi trường đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên lọt vào top 20 thế giới năm 2021.
Trong cùng thời điểm, Hồng Kông cũng đã gia tăng số đại diện của mình từ ba lên năm trường Đại học và Hàn Quốc tăng từ bốn lên bảy. Singapore là quê hương của một trong những trường đại học phát triển nhanh nhất thế giới, Đại học Công nghệ Nanyang, hiện nằm trong top 50 thế giới, đã thu hút một trong những học giả nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ, cựu giám đốc Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ Subra Suresh dẫn dắt trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Bảng xếp hạng Đại học Thế giới dựa trên phân tích của hơn 13 triệu ấn phẩm nghiên cứu và hơn 80 triệu trích dẫn, cũng như bài khảo sát của hơn 22.000 học giả trên khắp thế giới. Và bức tranh đã hiện lên rất rõ ràng: nhìn chung, châu Á đã tăng tỷ lệ đại diện của mình trong bảng xếp hạng từ chỉ hơn một phần tư tổng số các trường đại học được xếp hạng vào năm 2016 (26%), lên đến gần một phần ba (32%).
Tất nhiên, các cường quốc phương Tây mang truyền thống nền kinh tế tri thức như Mỹ, Anh và Tây Âu - vẫn chiếm ưu thế, cả về vị trí xếp hạng và số lượng các đại diện. Nhưng kể từ năm 2016, trong khi Đông Á đang trỗi dậy, Anh đã đánh mất 5 đại diện ra khỏi top 200 và với Mỹ là 3 đại diện. Sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng đang gây ra mối lo cho việc “tái tạo” tài nguyên là nhân tài của các trường đại học nổi tiếng.
Trải qua nhiều thập kỷ, những sinh viên ưu tú của Trung Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung đều có tham vọng hướng về phương Tây để phát triển sự nghiệp học tập. Và sau khi tốt nghiệp, rất nhiều sinh viên ở lại tiếp tục học tập làm làm việc, điều này mang đến nguồn lực về kinh tế không nhỏ cho các nước phương Tây. Thế nhưng điều này đã thay đổi trước đại dịch, đặc biệt là Trung Quốc đang tìm cách thu hút các tài năng nghiên cứu trở lại từ cộng đồng quốc tế, và sự thay đổi đã và đang được đẩy nhanh bởi COVID.
Trong khi đó, các trường đại học phương Tây đang phải vật lộn với thu nhập từ học phí bị sút giảm nghiêm trọng, cắt giảm chi phí, ngân sách ở khắp nơi. Trong khi ở Trung Quốc đại lục, sau nhiều thập kỷ đầu tư cho các trường đại học, ngân sách giáo dục đại học đã tăng thêm 12% từ năm 2019 đến năm 2020.
Chính phủ Nhật Bản đã thông báo rằng họ đặt mục tiêu huy động vốn cho một trường đại học ở mức đáng kinh ngạc: 10 nghìn tỷ yên (70 tỷ bảng Anh) cho quỹ nghiên cứu vào năm 2022. “Dự án Ươm Mầm Giáo dục Đại học” ở Đài Loan cũng sẽ nhận về thêm 83,6 tỷ Đài tệ (2,2 tỷ Bảng Anh) vào các trường đại học trong 5 năm tới. Tại Malaysia, 20% toàn bộ ngân sách quốc gia năm 2021 - 64,8 tỷ MYR (12 tỷ bảng Anh) đã được xác định dành cho giáo dục.
Dữ liệu của Fresh Times Higher Education được công bố vào tháng 6 năm nay cũng cho thấy các trường đại học trẻ năng động và thú vị nhất thế giới tập trung nhiều ở khu vực Đông Á.
Những ngôi trường dưới 50 tuổi được xem những ngôi sao trong tương lai, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các trường đại học mang bề dày lịch sử và uy tín tích lũy hàng thế kỷ. Danh sách này được dẫn đầu bởi Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, được thành lập vào năm 1991. Top 10 bao gồm ba trường đại học đến từ Hàn Quốc, gồm Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan, 14 năm tuổi ở vị trí thứ 10, và hai từ Hồng Kông, dẫn đầu bởi HKUST, 30 năm tuổi.
Những dữ liệu kể trên giống như một hồi chuông cảnh báo cho các cường quốc phương Tây. Xin Xu, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu của Đại học Oxford, đã chỉ ra rằng Trung Quốc hiện đã thực sự vượt qua Mỹ về số lượng các ấn phẩm nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Và chất lượng nghiên cứu cũng đang được cải thiện và tăng lên nhanh chóng.
Xin Xu cho rằng: “Phương Đông hiểu phương Tây hơn ai hết, một phần là do phương Đông từ lâu đã theo sau phương Tây về nhiều mặt. Đó có thể cũng là do sự tự mãn từ phương Tây, cùng với sự thiếu quan tâm, tôn trọng hoặc khiêm tốn để học hỏi từ phương Đông và phần còn lại của thế giới.
Mặt trời có thể mọc ở phương Đông, nhưng nó chiếu sáng khắp thế giới. Sự trỗi dậy của phương Đông về giáo dục thách thức sự thống trị từ trước của phương Tây, nhưng không có nghĩa là sẽ thay thế. Thay vào đó, sự thay đổi này sẽ tạo ra cơ hội cho phương Tây và cho nền giáo dục đại học toàn cầu, hướng đến sự hợp tác, cởi mở và đa dạng hơn.”