Trường đại học cấp tập kiểm tra năng lực tiếng Anh đầu vào

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vừa hoàn tất thủ tục nhập học, các trường đại học cấp tập tổ chức kiểm tra năng lực tiếng Anh đầu vào cho sinh viên.

Tân sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM sẽ kiểm tra năng lực tiếng Anh đầu khoá dự kiến trong cuối tháng 9/2023. Ảnh: BUH
Tân sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM sẽ kiểm tra năng lực tiếng Anh đầu khoá dự kiến trong cuối tháng 9/2023. Ảnh: BUH

Kế hoạch của phần lớn đơn vị là hoàn thành việc kiểm tra trong tháng 9.

Rốt ráo kiểm tra

Vừa làm thủ tục nhập học, Nguyễn Hoàng Anh - tân sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tranh thủ ôn tập cho kỳ kiểm tra năng lực tiếng Anh đầu vào. Theo thông báo của Trung tâm Ngoại ngữ, yêu cầu này áp dụng cho tất cả tân sinh viên khóa 2023. Nhà trường tổ chức 2 đợt kiểm tra vào ngày 17/9 và 24/9. Mỗi ngày chia thành 4 ca thi, mỗi bài kiểm tra 120 phút.

Có thế mạnh ở khối Khoa học tự nhiên, Hoàng Anh tự đánh giá môn Tiếng Anh chỉ ở mức trung bình khá. “Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em được 7 điểm môn thi này. Em hy vọng sẽ đạt kết quả tốt ở đợt kiểm tra năng lực đầu vào để được xếp vào các lớp trình độ cao, tiết kiệm thời gian học tập”, nữ sinh cho biết.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cho biết, tân sinh viên khóa 2023 được kiểm tra năng lực tiếng Anh để nhà trường bố trí lớp học phù hợp với chương trình chính khóa, ngoại trừ sinh viên các chương trình tiên tiến và ngành Ngôn ngữ Anh. “Riêng sinh viên chương trình tiên tiến ngành Thực phẩm và Thú y sẽ kiểm tra theo lịch riêng của khoa bởi các em được học chương trình dạy bằng tiếng Anh”, ông Trần Đình Lý nói.

Tương tự, Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM cũng thông báo việc kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào (ngày 13/9). Tất cả tân sinh viên nhập học khóa 2023 đều phải dự thi. Trường hợp sinh viên đã có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS từ 4.5 trở lên hoặc các chứng chỉ khác tương đương được xét miễn thi tiếng Anh đầu vào.

Cùng khối ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức kiểm tra tiếng Anh đầu vào cho tất cả sinh viên chưa đạt chuẩn ngoại ngữ theo quy định từ cuối tháng 8. Bài thi Level Test 3 Skills được nhà trường sử dụng kiểm tra 3 kỹ năng, dành cho tất cả hệ đào tạo.

“Nếu sinh viên nào không đạt chuẩn đầu vào, các em phải tham gia các lớp học nền tảng, sau đó mới học tiếp các cấp độ tiếp theo. Đồng thời, các em sẽ bị giới hạn số tín chỉ đăng ký ở học kỳ đầu. Điều này giúp sinh viên có thời gian ôn luyện tiếng Anh”, ông Cù Xuân Tiến cho biết.

Theo ThS Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, trong chương trình đào tạo, tiếng Anh của trường được chia thành 3 cấp độ: Đầu vào, quá trình và đầu ra.

Tương tự, với khoảng 5.000 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Mở TPHCM cũng tổ chức đánh giá năng lực tiếng Anh đầu vào cho tất cả tân sinh viên ở hệ đại trà và chất lượng cao. Riêng sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc được miễn thi.

Còn tại Trường ĐH Văn Lang, kiểm tra tiếng Anh đầu khóa cũng là hoạt động bắt buộc trong lộ trình đào tạo dành cho tân sinh viên. Căn cứ kết quả của kỳ thi, nhà trường tiến hành xếp lớp tiếng Anh tổng quát phù hợp với trình độ của sinh viên. Trung tâm Khảo thí, Trường ĐH Văn Lang đã tổ chức kỳ thi kiểm tra tiếng Anh đầu khóa từ ngày 31/8 - 10/9 tại phòng máy tính của cả 2 cơ sở Quận 1 và Bình Thạnh.

Cũng là hoạt động bắt buộc đầu khóa với tất cả tân sinh viên, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM miễn kiểm tra trình độ tiếng Anh cho người học ở ngành Ngôn ngữ Anh; sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt từ IELTS 3.0 trở lên hoặc tương đương; sinh viên hệ chất lượng cao có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS từ 4.5 hoặc tương đương còn trong thời hạn quy định. Nhà trường dự kiến kiểm tra từ ngày 30/9 - 1/10.

Còn tại Trường ĐH Công Thương TPHCM, lịch kiểm tra tiếng Anh đầu vào có thể muộn hơn, dự kiến vào giữa tháng 10. ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, cho biết, việc kiểm tra tiếng Anh đầu vào nhằm xếp lớp phù hợp với trình độ của sinh viên, đồng thời xét miễn các học phần Anh văn trong năm học. Tương tự các trường khác, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc được miễn thi kiểm tra đầu vào.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Mỗi trường một kiểu

Theo khảo sát, bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào ở các trường đa dạng về định dạng, phương thức và nội dung.

Tại Trường ĐH Mở TPHCM, sinh viên làm bài thi xếp lớp tiếng Anh đầu vào mang tên Placemment Test, do Nhà xuất bản Đại học Oxford thiết kế và biên soạn. Nội dung bài thi gồm 2 phần, làm trong 90 phút. Phần thi sử dụng tiếng Anh gồm các yêu cầu hoàn thành đoạn hội thoại với mẫu ngữ pháp và từ vựng phù hợp, đọc hiểu đoạn hội thoại ngắn, điền vào chỗ trống bằng các mẫu ngữ pháp và từ vựng. Phần nghe gồm đoạn hội thoại ngắn/dài và đoạn độc thoại, sau đó xác định ý của người nói.

Tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, tân sinh viên Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (chương trình hoàn toàn tiếng Anh) được tổ chức riêng kỳ thi kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh diễn ra từ ngày 19 - 21/9. Nội dung thi gồm 4 phần: Nghe (10 câu, 10 phút); đọc (20 câu, 20 phút); viết (1 bài viết, 30 phút); nói (5 - 7 phút/sinh viên).

Ở Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM, đề thi tiếng Anh đầu vào được xây dựng theo dạng thức bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế. Cấu trúc đề thi gồm 4 phần: Nghe, đọc, viết, nói. Trong đó, nội dung nghe có 4 phần nhỏ với 40 câu hỏi. Các dạng câu hỏi gồm: Câu hỏi nhiều lựa chọn, hoàn thành câu, hoàn thành các ghi chú biểu đồ, bản đồ, bảng tóm tắt, nối thông tin, đặc điểm; nội dung các bài nghe độc thoại và hội thoại.

Phần đọc có 3 bài, mỗi bài hơn 1.500 từ, gồm các câu hỏi với nhiều lựa chọn. Các đoạn văn được lấy từ sách, tạp chí và báo chí, viết theo nhiều phong cách khác nhau như tường thuật, mô tả, tranh luận… Phần nói tại Khoa Y cũng dài hơn so với các trường khác, từ 11 - 14 phút với các yêu cầu giới thiệu và phỏng vấn ngắn/dài, thảo luận.

Khác với phần lớn trường tổ chức kiểm tra tiếng Anh đầu vào cho tân sinh viên theo hình thức tập trung, Học viện Hàng không Việt Nam tổ chức kiểm tra trên ứng dụng Englishscore. Sinh viên có thể sử dụng điện thoại cá nhân để làm bài.

Mục đích chính của việc kiểm tra tiếng Anh đầu vào để xếp lớp học phần phù hợp. Tuy nhiên, ở một số trường, sinh viên có thể sử dụng kết quả này để miễn, chuyển điểm các học phần tiếng Anh trong chương trình đào tạo nếu có nhu cầu. Về chuẩn đầu ra xét tốt nghiệp, nhiều trường đang sử dụng chứng chỉ tiếng Anh khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dành cho Việt Nam (VSTEP). Yêu cầu chuẩn đầu ra ở nhiều trường là bậc 3 VSTEP hoặc các chứng chỉ tương đương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ