Trường đại học, cao đẳng lên kế hoạch đón sinh viên

GD&TĐ - Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP (Nghị quyết 128) về việc Ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” áp dụng toàn quốc.

Sinh viên ngành Kỹ thuật cơ khí động lực của HUTECH. Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC
Sinh viên ngành Kỹ thuật cơ khí động lực của HUTECH. Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC

Nghị quyết của Chính phủ mở cơ hội để sinh viên nhiều trường trở lại TP Hồ Chí Minh học tập.

Gấp rút thống kê tỉ lệ sinh viên đã tiêm vắc-xin

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 nhằm tháo gỡ những khó khăn về đi lại, kinh doanh, hoạt động sản xuất trên cả nước, nhiều trường ĐH-CĐ cũng rục rịch cho kế hoạch học tập trực tiếp trong bối cảnh mới.

PGS.TS Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cho biết: Trường đang lên kế hoạch cho sinh viên học tập tập trung. Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp đã khảo sát xong tỉ lệ sinh viên tiêm vắc-xin, nhất là ở các tỉnh. Kết quả cho thấy, tỉ lệ sinh viên ở tỉnh tiêm 2 mũi chưa cao. Còn tại TP Hồ Chí Minh, số lượng sinh viên đã được tiêm đạt trên 80%.

Quan điểm của nhà trường là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới cho sinh viên trở lại trường. Dù chủ động nhưng chúng tôi vẫn phải chờ các quyết sách được UBND TP ban hành. Do đó, nếu có trở lại học tập trung sẽ ưu tiên sinh viên năm cuối trước, kế đến là sinh viên đã tiêm 2 mũi vắc-xin.

Công tác bố trí học tập chắc chắn phải bảo đảm yêu cầu “5K” của Bộ Y tế, chỉ sử dụng khoảng 50% công năng phòng học. Thời gian sinh viên quay lại vào khoảng tháng 12/2021 hoặc tháng 1/2022, tùy thuộc vào tỉ lệ sinh viên tiêm 2 mũi, diễn biến của dịch ra sao và sự chỉ đạo từ TP”, PGS.TS Trần Hoàng Hải cho biết.

Cũng trong tâm thế chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho việc sinh viên trở lại học tập trung, Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo về kế hoạch giảng dạy, học tập phù hợp với biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh mới. Lộ trình nhà trường dự kiến cho sinh viên tới trường học trực tiếp là vào đầu năm 2022.

ThS Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng tư vấn Tuyển sinh & Phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho hay: Kế hoạch trên nhà trường xây dựng cho các học viên, sinh viên đã tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Trường hợp học viên, sinh viên chưa tiêm sẽ tiếp tục học tập theo hình thức trực tuyến để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch theo quy định của UBND TP.

Nhiều trường đại học lấy ý kiến sinh viên để quyết định việc học trực tiếp. Ảnh: ITN
Nhiều trường đại học lấy ý kiến  sinh viên để quyết định việc  học trực tiếp. Ảnh: ITN

Bố trí lớp học cho sinh viên đủ điều kiện

Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh là đơn vị thực hiện sớm nhất việc cho sinh viên đăng ký tới trường học trực tiếp các môn thí nghiệm, thực hành và làm luận văn tốt nghiệp sau thời gian dài học trực tuyến do Covid-19. Trên cơ sở số lượng đăng ký học và khả năng đáp ứng các điều kiện di chuyển, học tập của sinh viên, trường sẽ bố trí các lớp học phù hợp. Danh sách sinh viên đăng ký đã chốt vào ngày 12/10 sau hơn 1 tuần đăng ký.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, sinh viên muốn học tập trung ngoài việc bảo đảm tiêm đủ vắc-xin còn phải đáp ứng các điều kiện di chuyển, học tập theo quy định của TP. Hiện các đơn vị chức năng đang thống kê danh sách sinh viên đăng ký để bố trí lớp học phù hợp.

Việc đăng ký này, theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng chỉ áp dụng với việc giảng dạy, học tập thực hành, thí nghiệm, đồ án môn học, đề cương luận văn tốt nghiệp, luận văn tốt nghiệp của các học kỳ 2 và học kỳ hè năm học 2020 - 2021.

Theo đó, đối với các học phần đồ án môn học, đề cương luận văn, luận văn tốt nghiệp có nhu cầu sử dụng các phòng thí nghiệm (bao gồm các xưởng thực tập) hay trung tâm của trường, các khoa, bộ môn, phòng thí nghiệm, trung tâm chịu trách nhiệm sắp xếp tổ chức, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch theo đúng các quy định của trường và TP trong bối cảnh mới.

“Về phương án lớp học cụ thể, trường sẽ căn cứ trên các quy định bảo đảm an toàn trường học của TP. Tuy nhiên, đặc thù chung của lớp học thực hành và thí nghiệm là số lượng sinh viên không nhiều nên việc bố trí học tập không quá khó khăn”, ông Thắng cho hay.

Chia sẻ về việc thực hiện đăng ký học tập trung trở lại, Bùi Mạnh Trung, sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Việc học và thực tập tại xưởng rất quan trọng. Ngành Kỹ thuật cơ khí thiên về thực hành nên việc học tập, nghiên cứu dưới hình thức trực tuyến khiến em có cảm giác không hiệu quả.

Vì vậy, em quyết định đăng ký trở lại TP Hồ Chí Minh để học tập. Em đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Địa phương cũng vừa thống nhất về lộ trình di chuyển tới TP Hồ Chí Minh của người dân nên em rất mong sớm có thể trở lại học tập, nghiên cứu trực tiếp tại xưởng. Em nghĩ khi học trong xưởng chỉ cần sinh viên đã tiêm vắc-xin, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn thì không có gì quá đáng lo ngại”.

“Ngoài việc thực hiện khảo sát tỉ lệ sinh viên toàn trường đã tiêm vắc-xin, nhà trường cũng khuyến nghị và đề nghị học viên, sinh viên chủ động tiêm vắc-xin để có thể tham dự học tập trực tiếp theo kế hoạch tại trường”, ThS Nguyễn Anh Vũ cho biết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ