Cơ sở giáo dục đại học rục rịch mở cửa đón sinh viên trở lại trường

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã lên kế hoạch đón sinh viên trở lại học trực tiếp. Ngoài chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, các trường đồng thời đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho giảng viên, sinh viên.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã rục rịch mở cửa đón sinh viên trở lại trường. Ảnh minh họa/Internet
Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã rục rịch mở cửa đón sinh viên trở lại trường. Ảnh minh họa/Internet

Ưu tiên sinh viên năm cuối

GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần thơ cho biết: Hơn 1.800 cán bộ, viên chức và 300 sinh viên là tình nguyện viên của trường đã tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 mũi 1. Hiện, còn gần 40.000 sinh viên chưa được tiêm và đang học online. Nhà trường đã liên hệ với các địa phương, cơ quan y tế để đưa sinh viên vào đối tượng được ưu tiên tiêm phòng.

“Chính phủ cần đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho học sinh, sinh viên, để sớm được trở lại trường học tập trực tiếp” - GS.TS Hà Thanh Toàn đề xuất, đồng thời cho hay: Trường ĐH Cần Thơ đã triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để chuẩn bị cho sinh viên đi học trở lại như: Tổ chức vệ sinh khuôn viên ký túc xá, phòng học lý thuyết, thực hành, khu vực làm việc của các khoa, phòng học, nhằm bảo đảm an toàn cho sinh viên.

Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh đang rà soát, thống kê số lượng sinh viên đã tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ phối hợp với cơ quan y tế để tổ chức tiêm chủng cho các em. “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức đào tạo khi các em quay trở lại trường học tập. Dự kiến, tháng 11 tổ chức đón sinh viên trở lại trường học thực hành nếu tình hình ổn định và bảo đảm các điều kiện về phòng chống dịch bệnh” - PGS.TS Phan Đình Nguyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

 “Khi được phép mở cửa trở lại, nhà trường xây dựng kịch bản, phương án đảm bảo an toàn phòng dịch cho sinh viên và giảng viên. Theo đó, có thể sẽ áp dụng phương án dạy học kết hợp trực tuyến với trực tiếp. Việc học trực tiếp sẽ ưu tiên cho các môn thực hành, thực tập, vì đây là những môn rất khó để tổ chức học trực tuyến” - PGS.TS Phan Đình Nguyên trao đổi.

Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã đăng ký với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh 30.000 liều vắc-xin để tiêm cho giảng viên, sinh viên. Đến thời điểm này, việc dạy - học của nhà trường vẫn được áp dụng theo hình thức trực tuyến.

Theo kế hoạch, đầu tháng 11, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẽ đón sinh viên trở lại trường học tập. Trước mắt, áp dụng với sinh viên thực hành, thí nghiệm và làm đồ án tốt nghiệp. Giảng viên, người học trực tiếp phải tiêm đủ liều vắc-xin và mỗi lớp học tối đa là 20 sinh viên. Nhà trường ưu tiên cho sinh viên khóa 2018 trở về trước đăng ký học trực tiếp để hoàn thành đồ án, khóa luận. Khi đến trường, sinh viên và giảng viên sẽ được đo nhiệt độ, kiểm tra khai báo y tế và thẻ xanh Covid-19 ngay tại cổng.

Đoàn kiểm tra cơ sở vật chất của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trước khi đón sinh viên quay trở lại trường học tập trung. Ảnh: NTCC
Đoàn kiểm tra cơ sở vật chất của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trước khi đón sinh viên quay trở lại trường học tập trung. Ảnh: NTCC

Phải có “thẻ xanh” mới được đến trường

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh – thông tin: Dự kiến ngày 25/10, nhà trường sẽ mở cửa đón sinh viên trở lại. Trước mắt, nhà trường thông báo cho sinh viên khoá 08ĐH, 09ĐH (sinh viên năm cuối) có nhu cầu đến phòng thí nghiệm để hoàn thành đề tài, khóa luận chuẩn bị cho kết thúc khoá học.

Để triển khai kế hoạch trên, nhà trường yêu cầu từ nay đến hết ngày 22/10, sinh viên đăng ký trực tiếp với giảng viên hướng dẫn. Giảng viên hướng dẫn tổng hợp, báo cáo trưởng đơn vị duyệt để bố trí sinh viên tham gia các phòng thí nghiệm, thực hành. Từ 8 giờ ngày 25/10, sinh viên được vào làm việc tại các phòng thực hành và thí nghiệm căn cứ trên đề cương các học phần có liên quan. Nhà trường sẽ giám sát nghiêm túc quá trình thực hiện.

Để đến trường, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, sinh viên và giảng viên phải có “thẻ xanh”. Tức là, phải đảm bảo điều kiện đã tiêm chủng ngừa Covid-19 đủ 2 mũi vắc-xin (mũi 2 sau ít nhất 14 ngày) hoặc là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh (có giấy chứng nhận do cơ quan thẩm quyền cấp).

Tại Hà Nội, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng kế hoạch mở cửa đón sinh viên. GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - cho hay: Do sinh viên ngành Y tham gia hỗ trợ chống dịch trên mọi miền Tổ quốc nên 90% sinh viên của trường đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng chống Covid-19. Từ tuần này, trường sẽ mở cửa dần để đón sinh viên.

PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: Nhà trường đã lên phương án sẵn sàng đón sinh viên quay trở lại trường học tập trung. Thời gian qua, nhà trường đã chủ động phối hợp với y tế phường tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ, giảng viên và một số sinh viên tại Hà Nội.

Dự kiến, những sinh viên ở các tỉnh thành chưa tiêm chủng, sẽ được nhà trường tổ chức đăng kí tiêm ngay sau khi đi học tập trung trở lại. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, giảng viên, sinh viên tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc quy định 5K cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – chia sẻ, nhà trường tích cực triển khai công tác vệ sinh, khử khuẩn phòng học, chuẩn bị trang thiết bị thiết yếu đáp ứng  điều kiện phòng, chống dịch khi sinh viên trở lại học tập trung. Các địa điểm làm việc và khu giảng đường được bố trí tăng cường thêm nước rửa tay, dung dịch sát trùng, khẩu trang, nhiệt kế hồng ngoại để phục vụ công tác đảm bảo sức khỏe hàng ngày cho cán bộ, giảng viên, sinh viên; đồng thời, sớm phát hiện trường hợp nghi nhiễm Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn cho biết: Trước mắt, những lớp trực tiếp sẽ không có nhiều sinh viên tham dự. Giảng viên và sinh viên đến trường phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn. Khi tới trường, bắt buộc phải thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ