Ngày 13/5, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM công bố phương thức tuyển sinh năm 2024.
Năm nay, trường tuyển sinh 39 ngành, trong đó có 4 ngành mới là ngành Thiết kế Vi mạch, Kinh tế Xây dựng, Địa kỹ thuật Xây dựng và Khoa học Dữ liệu. Tổng chỉ tiêu dự kiến là 5.150 sinh viên.
Các ngành thuộc 8 chương trình đào tạo: Tiêu chuẩn; Tài năng; Chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV); Dạy và học bằng tiếng Anh; Tiên tiến; Định hướng Nhật Bản; Chuyển tiếp Quốc tế (Úc, Mỹ - dự kiến, New Zealand); Chuyển tiếp Quốc tế (Nhật Bản).
Trường Đại học Bách khoa sử dụng 5 phương thức tuyển sinh:
Phương thức 1, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia TPHCM.
Trong đó, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu: 1-5% tổng chỉ tiêu.
Ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường THPT năm 2024 (theo quy định của Đại học Quốc gia TPHCM.), chỉ tiêu: 5%.
Phương thức 2, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TPHCM (danh sách 149 trường THPT do ĐHQG-HCM công bố), chỉ tiêu: 15- 20%.
Phương thức 3, xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài, chỉ tiêu: 1-5%.
Phương thức 4, xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài, chỉ tiêu: 1- 5%.
Phương thức 5, xét tuyển tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT), năng lực khác, hoạt động xã hội, chỉ tiêu: 75-90%.
Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng một hoặc nhiều phương thức xét tuyển kể trên.
Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Như Quỳnh |
Trong đó, với phương thức 5, thí sinh được đánh giá kết hợp bao gồm 3 thành tố và trọng số tương ứng được dùng để xét tuyển: học lực chiếm 90%; thành tích cá nhân chiếm 5%; hoạt động xã hội, văn thể mỹ chiếm 5%.
Cụ thể như sau:
- Tiêu chí học lực (90%), bao gồm 3 thành phần là điểm học tập ở bậc THPT (bao gồm 6 học kì ứng với tổ hợp đăng ký xét tuyển); điểm thi tốt nghiệp THPT (bao gồm các môn trong tổ hợp xét tuyển); điểm thi đánh giá năng lực năm 2024.
- Thành phần học lực của thí sinh được tính dựa vào điểm học tập 3 năm THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực.
- Tiêu chí thành tích cá nhân (5%): Học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải Khoa học Kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, tỉnh/thành phố, và các giải thưởng học thuật khác.
- Tiêu chí hoạt động xã hội, văn thể mỹ (5%): văn thể mỹ, các thành tích hoạt động xã hội khác.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào:
- Điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024: 600/1.200 điểm.
- Điểm thi Tốt nghiệp THPT năm 2024: 18 điểm (theo tổ hợp xét tuyển)
- Điểm học lực THPT: 54 điểm (là tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 3 năm THPT).
Công thức tính điểm xét tuyển như sau:
Điểm xét tuyển = (0.7 x Điểm ĐGNLquy đổi ) + (0.2 x Điểm thi TN THPT x3) + (0.1 x Điểm HL THPT)
Trong đó:
- Điểm thi TN THPT: Tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (tối đa 30 điểm)
- Điểm HL THPT: Tổng điểm trung bình năm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 3 năm lớp 10, 11, 12 (tối đa 90 điểm)
Riêng đối với Điểm ĐGNLquy đổi được tính như sau:
- Đối với thí sinh có tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024: ĐGNLquy đổi = Điểm thi ĐGNL x 90 / 990
- Đối với thí sinh không tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024: ĐGNLquy đổi = 0.75 x (Điểm thi TN THPT / 30 x 1200) x 90/990.
Như vậy, so với năm ngoái, phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí của có sự điều chỉnh về tỷ lệ trọng số điểm thành phần. Tỷ trọng điểm bài thi đánh giá năng lực từ 75% giảm xuống còn 70%.