Thanh Hóa:

Trường chuẩn lấy tạm phòng học làm nhà vệ sinh

GD&TĐ - Do không có quỹ đất, Trường Tiểu học Quảng Tiến 2 (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) phải lấy tạm một phòng học làm nhà vệ sinh.

Thầy Lê Văn Hưng - Hiệu trưởng nhà trường trăn trở về khu nhà vệ sinh của trường.
Thầy Lê Văn Hưng - Hiệu trưởng nhà trường trăn trở về khu nhà vệ sinh của trường.

Là trường tiểu học quy mô hạng 1, song Trường Tiểu học Quảng Tiến 2 có diện tích chưa đầy 5m2/học sinh.

Trưng dụng phòng học làm nhà vệ sinh

Năm học này, Trường Tiểu học Quảng Tiến 2 (TP Sầm Sơn) có 970 học sinh, với 28 lớp; tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên 45 người. Với quy mô trường hạng 1, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 từ năm 2011, nhưng giờ đây, ngôi trường này thiếu chuẩn tiêu chí nhà vệ sinh trường học. Thầy Lê Văn Hưng - Hiệu trưởng cho biết: Số lượng học sinh những năm gần đây của trường chỉ xếp sau các trường tiểu học Trường Sơn, Bắc Sơn, Quảng Cư và Quảng Vinh (với quy mô trên 1 nghìn học sinh).

“Tổng diện tích toàn trường là 4.700m2. Trong khi đó, diện tích theo quy chuẩn khu vực nông thôn là 10m2/học sinh, khu vực thành phố tối thiểu 8m2/học sinh. Vì thế, nếu tính theo quy chuẩn, diện tích sử dụng của nhà trường chưa đầy 5m2/học sinh. Việc mở rộng diện tích không khả thi do quỹ đất đã cạn”, thầy Hưng chia sẻ.

Theo thầy Hưng, 1 trong 2 dãy nhà 2 tầng của trường được xây dựng từ những năm 1997 đã xuống cấp, có dấu hiệu sụt lún, không đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh vào mùa mưa bão. Ngoài ra, do thời gian xây dựng cách đây hàng chục năm, nên diện tích phòng học chật hẹp.

Điều đáng nói, vấn đề bức bí, cấp thiết nhất hiện nay là trường đông học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng thiếu quỹ đất để xây dựng khu vệ sinh. Vì thế nhà trường phải báo cáo với chính quyền địa phương để lấy tạm một phòng học làm nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh toàn trường.

Theo ghi nhận thực tế, nhà vệ sinh “tạm bợ” của trường là một phòng học ngăn thành 2. Một bên dành cho nam, bên còn lại của nữ. Tuy nhiên, mỗi bên chỉ có 4 phòng, thì dành 2 phòng làm khu vệ sinh cho giáo viên.

“Cả trường với hơn 1 nghìn con người chỉ có một khu vệ sinh. Trước đây, UBND TP Sầm Sơn cùng phòng GD&ĐT thành phố đã về trường khảo sát để triển khai đề án xây dựng nhà vệ sinh trị giá 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không có quỹ đất, nên đề án không thể thực hiện”, thầy Hưng chia sẻ và thông tin thêm: Nếu có kinh phí đầu tư, nhà trường sẽ đề nghị xây dựng dãy nhà 2 tầng (khu nhà đang có 1 phòng học dùng làm phòng vệ sinh) thành khu nhà 3 tầng thì mới có điều kiện làm nhà vệ sinh.

“Xây dựng được dãy nhà 2 tầng thành 3 tầng, sẽ dùng 2 phòng cuối của 2 tầng để làm nhà vệ sinh. Như vậy, có thể giải quyết tình trạng bức bí hiện nay”, thầy Hưng chia sẻ.

Do nhà vệ sinh “tạm bợ” nằm sát dãy phòng học gây ảnh hưởng tới không gian học tập của thầy và trò, nhất là vào mùa nắng nóng. Vì vậy, ban giám hiệu nhà trường buộc phải chuyển đổi một phòng học bên cạnh nhà vệ sinh làm thư viện để giảm ảnh hưởng đến học sinh.

Nhà vệ sinh tạm bợ sát với dãy phòng học của thầy và trò Trường Tiểu học Quảng Tiến 2 (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa).

Nhà vệ sinh tạm bợ sát với dãy phòng học của thầy và trò Trường Tiểu học Quảng Tiến 2 (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa).

Thiếu cả phòng chức năng

Cũng theo thầy Hưng, hiện Trường Tiểu học Quảng Tiến 2 thiếu loạt phòng chức năng, như: Phòng học tiếng Anh, Mỹ thuật, phòng chờ của giáo viên. Ngoài ra, hệ thống sân trường cũng xuống cấp và thấp, trũng nên dễ bị ngập úng. Mỗi khi trời mưa lớn, thầy và trò nhà trường phải lội bì bõm để vào lớp học.

“Trước thực trạng hiện tại, nhà trường kiến nghị UBND phường Quảng Tiến, phòng GD&ĐT thành phố sớm có phương án phù hợp, đảm bảo đủ phòng chức năng, nhà vệ sinh để thầy, trò yên tâm dạy và học”, thầy Hưng thông tin.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Mai Huân - Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Sầm Sơn xác nhận việc Trường Tiểu học Quảng Tiến 2 phải lấy tạm phòng học làm nhà vệ sinh. Ông Huân cũng cho biết, đây là ngôi trường duy nhất của thành phố chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn.

“Phòng GD&ĐT TP Sầm Sơn và các đơn vị liên quan đã nhiều lần xuống trường kiểm tra thực trạng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là trường không còn quỹ đất để mở rộng, việc xây dựng mới chưa tới niên độ”, ông Huân nói.

Ngoài ra, theo ông Huân, vị trí đặt trường này trước đây là ngôi chùa, đang còn vết tích nên việc xây dựng gặp nhiều khó khăn do liên quan tới yếu tố tâm linh. “Phòng GD&ĐT đang kiến nghị UBND TP Sầm Sơn xây mới một khu nhà 3 tầng để đảm bảo đủ phòng chức năng, nhà vệ sinh cho thầy, trò nhà trường”, ông Huân cho hay.

Ông Bùi Quốc Đạt – Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, cho biết: Trường Tiểu học Quảng Tiến 2 là ngôi trường khá đông học sinh. Tuy nhiên, do lịch sử để lại, diện tích đất của trường không đủ quy chuẩn, nên rất chật chội.

Ngoài ra, theo ông Đạt, so với các trường trong thành phố, Trường Tiểu học Quảng Tiến 2 khó khăn nhất và chưa tìm ra giải pháp tháo gỡ. Bởi lẽ, phường Quảng Tiến có 2 trường tiểu học, nhưng học sinh trường 2 nhiều hơn trường 1. Trong khi diện tích, cơ sở vật chất trường 2 lại thiếu thốn hơn.

“Hằng năm, thành phố luôn dành nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng cho ngành Giáo dục. Ví như, năm ngoái thành phố dành 1,2 tỷ đồng cho dự án xây dựng nhà vệ sinh ở Trường Tiểu học Quảng Tiến 2, nhưng không thể thực hiện vì thiếu quỹ đất”, ông Đạt thông tin.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, thành phố đang tìm giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết triệt để vấn đề thiếu nhà vệ sinh, cũng như nhiều hạng mục của ngôi trường này đang xuống cấp, để giáo viên, học sinh yên tâm dạy và học.

“Trường đông học sinh nhưng chúng em và thầy cô phải dùng chung một nhà vệ sinh làm tạm từ phòng học. Học sinh xếp hàng chờ đi vệ sinh rất bất tiện. Em và các bạn mong nhà trường sớm có nhà vệ sinh mới để không chờ nhau đi vệ sinh như bây giờ”, một học sinh lớp 5 của trường bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ