(GD&TĐ) - Nằm sâu trong xã nghèo Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) có một ngôi trường đặc biệt mà khi hỏi đến, dân địa phương hay gọi nôm na là Trường Chăm. Trường Chăm có tên chính thức là trường tiểu học Nhơn Sơn B. Sở dĩ người dân gọi là Trường Chăm vì trường có 100% học sinh là người dân tộc Chăm. Con đường gieo chữ vô cùng gian khó nhưng với ngọn lửa khát khao, những thầy cô giáo ở đây đã gắn bó với trường với lớp, xem dạy học như là nguồn hạnh phúc của đời mình.
Cách làm hay của cánh chim đầu đàn
Tháng 9, trong không khí cả nước tưng bừng bước vào năm học mới, trời chuyển sang thu nhưng đường về huyện miền núi Ninh Sơn vẫn nắng như đổ lửa… Đường vào Nhơn Sơn lại ngoằn ngoèo, khó đi. Phải mất hơn một tiếng đồng hồ, tôi mới từ thị trấn Ninh Sơn đến trường tiểu học Nhơn Sơn B. Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc đơn sơ, hiệu trưởng trường tiểu học Nhơn Sơn B, Trần Ngọc Thư, tâm sự rằng: “Bám trụ ở một trường tiểu học mà 100% học sinh là người dân tộc Chăm để dạy cho tốt cần có lòng say mê và kiên trì. Hơn hai chục năm trước, khi mới ra trường, tôi được phân công về giảng dạy ở huyện miền núi này, phòng ốc chỉ là mấy căn nhà lợp tranh, đôi khi thấy tủi thân, tự hỏi tại sao mình phải bám trụ ở một nơi gian khổ đến thế. Nhưng có lẽ ai đã ‘say’ cái nghề dạy chữ này rồi thì không thể dứt ra được”.
Giờ giải lao của học sinh trường tiểu học Nhơn Sơn B |
Với hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học và quản lý giáo dục ở Ninh Sơn, thầy Thư được các giáo viên trong trường xem như tấm gương về sự bền bỉ trong nghề. Cũng theo các giáo viên trong trường, thầy Thư đã truyền cho họ quan niệm: “Đã là thầy thì dù ngày nắng hay ngày mưa cũng lên lớp đúng giờ vì thầy phải làm gương cho trò, mình không nghỉ ngày nào, các em cũng sẽ tự giác đi học. Là giáo viên ở vùng khó khăn thầy phải đến từng nhà động viên gia đình cho con em đi học, hay giúp các em còn yếu, kém học bài”. Theo kinh nghiệm lâu năm của thầy Thư thì điều quan trọng nhất của giáo viên là “muốn dạy, trước hết phải hiểu”. Có trường hợp giáo viên vội vàng phạt học sinh vì nghỉ học không xin phép, đến khi tìm hiểu mới biết nhà em đó mẹ ốm, bố phải đi nương, em phải ở nhà chăm mẹ, trường hợp này thì chính giáo viên chủ nhiệm cũng phải bị phạt. Với nhiều sáng kiến hay trong quản lý giáo dục của mình, nhiều lần thầy Thư đã được đề bạt lên làm cán bộ quản lý cấp huyện, cấp tỉnh nhưng thầy vẫn kiên quyết ở lại Nhơn Sơn, vì: “Mình đã quen với những ánh mắt ngây thơ và háo chữ của những đứa trẻ Chăm, đã quen với những tình cảm, lòng trân trọng của người dân và đồng nghiệp ở Nhơn Sơn”.
Tất cả đồng lòng vì con chữ
Do các giáo viên đều đang bận đứng lớp nên phải chờ cuối buổi, thầy Trần Ngọc Thư mới giúp chúng tôi tiếp cận một số giáo viên khác ở trường. Mừng thay, tất cả đều nói yêu trường Chăm này như yêu chính ngôi nhà mình. Nở nụ cười tươi rói trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió, thầy giáo Đảo Văn Long, tâm sự: “Một trong những điều mà chúng tôi cảm thấy rất tự hào so với nhiều nơi khác là 100% giáo viên ở đây đều đồng lòng, đoàn kết để dạy sao cho tốt nhất, giáo viên này đau bệnh thì giáo viên khác sẵn sàng dạy thay. Bản thân là một người Chăm chính hiệu, được dạy cho con em mình, tôi rất hạnh phúc. Cái khó của học sinh ở đây là phải học một lúc ba thứ tiếng Việt – Chăm – Anh nên đòi hỏi cả thầy và trò đều phải nỗ lực vượt khó, tích cực phát huy tính độc lập suy nghĩ trong quá trình dạy và học”.
Nhớ lại những lần xuống bản làng tuyên truyền, vận động học sinh Chăm ra lớp, nhiều giáo viên trong trường đều chung một tâm sự: “Ban đầu, các em cũng như nhiều phụ huynh chưa hiểu về tác dụng và sự cần thiết của việc học chữ, nhiều người còn ghét giáo viên nữa. Thế nhưng dần dần, họ hiểu ra nên rất quý và tin yêu những người dạy chữ cho con mình. Cùng với tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp, giáo viên trường còn đến các thôn, làng để hướng dẫn ôn bài và bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em. Chính vì vậy, nhiều em đã tiến bộ rất nhanh”. Ngoài việc đồng lòng dạy chữ, các giáo viên trong trường còn kết hợp với học sinh và phụ huynh xây dựng tủ thuốc học đường, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.
Mầm xanh vươn giữa đất cằn
Thầy Trần Ngọc Thư hỏi tôi: Anh có biết cái nắng gió của Ninh Thuận nó khác nơi khác chỗ nào không? Tôi nói: hình như cái nắng gió của miền Trung, trong đó có Ninh Thuận là cái nắng gió keo đặc, cái nắng gió thốc thác đầy bỏng rát vào các xóm làng, vào con người. Cái nắng gió ở đây không nhè nhẹ, mênh mang giống nắng gió đồng bằng châu thổ cũng không róng riết, phóng túng như nắng gió cao nguyên. Câu trả lời như chạm đúng vào dòng tâm sự, thầy Thư thổ lộ: “Đấy. Chính vì sự khắc nghiệt, sự bỏng rát của nắng gió đã giúp học sinh ở đây cố gắng hơn, gan dạ hơn, chăm học hơn, nghĩa tình hơn. Hiện nay trường tiểu học Nhơn Sơn B có 13 lớp học, trên 300 học sinh, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt gần 99%, số học sinh tốt nghiệp đúng độ tuổi hơn 90%. Hầu hết học sinh có đạo đức tốt, bản chất hiền hòa, chấp hành tốt nội quy trường đề ra. Các em rất chăm chỉ học tập, lắng nghe thầy cô giáo giảng bài nên tỷ lệ học sinh khá giỏi cũng khá cao. Trường có 19 giáo viên, trong đó 6 người là dân tộc Chăm, hầu hết các giáo viên đều đạt chuẩn và vượt chuẩn”. Nói về con em của mình, phụ huynh em Hứa Văn Khánh, ông Châu Văn Hải giãi bày: “Bây giờ thì buôn làng đã hiểu cái tâm, cái bụng của các thầy cô giáo rồi nên hăng hái động viên con em đến trường học nhiều lắm. Chỉ có học mới thoát nghèo được, học để về xây dựng quê hương”. Nhiều học sinh đã trưởng thành từ trường tiểu học Nhơn Sơn B, đỗ đạt nhiều nơi nhưng cuối cùng họ vẫn quay về Nhơn Sơn dạy học như sự tri ân với quê hương mình.
“Bản thân là một người Chăm chính hiệu được dạy cho con em mình, tôi rất hạnh phúc. Cái khó của học sinh ở đây là phải học một lúc ba thứ tiếng Việt – Chăm – Anh nên đòi hỏi cả thầy và trò đều phải nỗ lực vượt khó, tích cực phát huy tính độc lập suy nghĩ trong quá trình dạy và học”- Thầy Đảo Văn Long |
Hà Văn Đạo