“Điều” giáo viên giỏi cấp tỉnh ra...làm bảo vệ
Tháng 5/2010, ông Nguyễn Hữu Thanh, nguyên giảng viên Khoa Điện - Điện tử Trường CĐ nghề Phú Thọ tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa về công tác tại trường. Với tấm bằng chuyên môn cùng với năng lực, tháng 3/2011 ông Thanh được bầu làm Bí thư đoàn trường, rồi cụm trưởng tuyển sinh, viên chức có biên chế.
“Sau gần 10 năm công tác, với những thành tích đóng góp, tôi nhận được nhiều giải thưởng, giấy khen của các cơ quan như: Giải Nhì giáo viên giỏi cấp tỉnh; Giải Nhất giáo viên cấp trường; Giải Nhì Bí thư đoàn giỏi; Giải Ba báo cáo viên giỏi; Giải Nhất tuyên truyền an toàn giao thông…”, ông Thanh cho biết.
Ngày 13/11/2017, ông Thanh bị điều động “bằng miệng” ra làm bảo vệ nhà trường. “Tôi không nhận được văn bản, giấy tờ nào. Trong những năm tháng đứng lớp, đứng trường tôi cũng không vi phạm về lối sống, đạo đức của người giáo viên”, ông Thanh bức xúc. Đi tìm nguồn cơn của việc điều động một thạc sỹ, một giáo viên dạy giỏi ra làm bảo vệ, chúng tôi được biết, trong quá trình tuyển sinh năm 2017 - 2018, ông Thanh đã có ý kiến với Ban giám hiệu nhà trường về những khoản thu, chi không minh bạch…
“Chỉ trong hơn một tháng (từ 13/11 - 31/12/2017), tôi phải làm vượt 216 giờ, tương đương với 27 ngày làm việc. Có những ngày, tôi chỉ dám tranh thủ ăn mỳ tôm sống hoặc chiếc bánh mỳ. Tuy nhiên, ông Tuấn không thanh toán tiền vượt giờ làm mà ngược lại còn ép tôi làm giấy đề nghị nghỉ bù…”, ông Thanh chua chát kể.
Ông Thanh còn tố cáo thêm: Ông Trần Minh Tuấn không chỉ khai khống số lượng học sinh để rút tiền ngân sách, “vẽ” ra các khoản thu “trên trời” mà còn sử dụng học sinh, sinh viên dưới danh nghĩa thực tập trong những hợp đồng lao động với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tư lợi cá nhân.
Điển hình như trường hợp Vi Văn Đ, K18 học chuyên ngành Điện công nghiệp nhưng khi đi thực tập lại phải khuân vác và cắt sắt thép trên công trường. “Từ tháng 5 - 8/2018, chúng em đi thực tập tại một công trường xây dựng ở Hà Nội, công việc hàng ngày là khuân vác, cắt sắt thép cho công trình. Em học chuyên ngành Điện công nghiệp, nhưng khi đi thực tập lại làm… thợ hồ” - sinh viên Đ cho biết.
Giáo viên nhà trường chỉ ra nhiều sai phạm của ông Trần Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Phú Thọ với phóng viên |
Dùng lá chuối thay rau, quả thực hành
Cô Bùi Thị Kim Cúc, giáo viên Khoa Chế biến món ăn và dịch vụ khách sạn của trường cũng có đơn tố cáo hành vi sai trái của ông Trần Minh Tuấn. Cụ thể, năm 2011 để khuyến khích HS học hết THCS tiếp tục được học nghề, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đã đồng ý cho trường mở thêm hệ bổ túc văn hóa, song song với học nghề.
Ông Trần Minh Tuấn đã cho tuyển sinh và đào tạo một cách ồ ạt. Chỉ trong năm học 2018 - 2019, ông Tuấn đã cho đào tạo 500 chỉ tiêu bổ túc. Trong khi đó, khóa học trước còn tới 600 học viên đang học tập. “Trang thiết bị và cơ sở vật chất nhà trường không đủ, đội ngũ giáo viên dậy bổ túc văn hóa chiếm gần 100% là giáo viên hợp đồng”, cô Kim Cúc viết trong đơn. “Tuyển sinh như vậy nhà trường có đào tạo sai mục đích, nhiệm vụ? Ông Tuấn có biến trường CĐ nghề thành trường phổ thông hay bổ túc văn hóa?” - phụ huynh và giáo viên đặt câu hỏi.
Cô Cúc nêu còn có tình trạng, nhiều học viên có tên trong danh sách đi học nhưng không hề đến lớp. “Chỉ riêng trong khoa Chế biến món ăn và dịch vụ khách sạn mà tôi đứng lớp, năm học 2018 - 2019, nhà trường tuyển sinh 2 lớp là T.CBMA1 và T.CBMA2 - K19. Theo danh sách, sỹ số 2 lớp này là 78 học viên, nhưng trên thực tế chỉ có 60 học viên đi học”. Trước đó, năm học 2017 - 2018, khoa này tuyển sinh 4 lớp với tổng số 115 em. Sau một năm, chỉ có 44 học viên theo học.
Câu hỏi đặt ra là: Số tiền hỗ trợ đào tạo và cấp bù học phí cho những “học viên ảo” kia đi về đâu?! Câu hỏi này, chúng tôi xin được gửi tới Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan.
Ngoài ra, nhiều giáo viên trong trường cho biết, hơn 2 năm qua việc xin cấp vật tư thực hành cho học viên gặp rất nhiều khó khăn. “Các học viên trong giờ học thực hành không có vật tư. Không ít lần Khoa Chế biến món ăn phải dùng lá chuối thay cho rau, hoa quả để học sinh thực hành”, một giáo viên xin giấu tên cho biết.