Trường CĐ nghề Phú Thọ: Bao giờ mới hết “lình xình”?

GD&TĐ - Với tinh thần và trách nhiệm của một đảng viên, bà Phạm Thị Lan Hương, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Trường CĐ Nghề Phú Thọ đã tố cáo nhiều dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý, điều hành, hành vi chuyên quyền, thiếu dân chủ, vi phạm nghiêm trọng về tài chính... đối với ông Trần Minh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường.

Trường CĐ Nghề Phú Thọ, nơi Hiệu trưởng Trần Minh Tuấn bị tố để xảy ra nhiều sai phạm
Trường CĐ Nghề Phú Thọ, nơi Hiệu trưởng Trần Minh Tuấn bị tố để xảy ra nhiều sai phạm

Từ chuyên quyền, thiếu dân chủ?

Trong đơn gửi đến Báo GD&TĐ, bà Phạm Thị Lan Hương nêu rõ: Ngay sau khi nhận công tác (15/9/2016), ông Trần Minh Tuấn đã tự ý điều động, nhận cán bộ mà không đưa ra bàn bạc, xin ý kiến cũng như gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động. “Hơn một năm, ông Tuấn điều chuyển gần 100 lượt cán bộ, giáo viên, công nhân viên, không bàn bạc, thống nhất với bất cứ ai, làm rối loạn công tác cán bộ. Nhiều trường hợp trong một năm bị điều chuyển đến hai ba đơn vị như thầy Vũ Tuấn, Chế Linh, Thanh, Hạnh, Út... Ông Tuấn dùng đủ biện pháp để ép cán bộ, giáo viên phải nghỉ việc. Vì vậy, trên 40 cán bộ giáo viên đã rời khỏi trường, trong đó có những người đã gắn bó, cống hiến gần hết đời mình cho nhà trường. Ông Dương Tiến Thắng, giáo viên Khoa Cơ bản là một ví dụ…” - bà Hương thông tin.

Ngược lại, ông Trần Minh Tuấn cũng tiếp nhận hàng loạt người mới. Sau hơn một năm, ông Tuấn đã nhận gần 20 người với trình độ chuyên môn được cho là không thể bằng những người cũ. Đơn của bà Hương cũng khẳng định, ông Tuấn sử dụng cán bộ tùy tiện, không đúng với chuyên ngành đào tạo, với quy hoạch.

Chẳng hạn: Ông Hoàng Đình Tuấn, Trưởng khoa Điện - Điện tử, Thạc sỹ Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, bị điều về làm Trưởng khoa Khoa học cơ bản nhưng lại phải sang giảng dạy cho Khoa Điện - Điện tử. Ông Linh - Phó khoa CNTT lại về làm Phó phòng Tổ chức. Ông Út, Phó phòng khảo thí lại được điều về làm Phó phòng phụ trách Phòng tổ chức…

Không dừng lại ở đó, ông Trần Minh Tuấn tự ý xóa bỏ một số đơn vị như Phòng Quản trị thiết bị, Khoa Kinh tế quản trị, Ban Quản lý cơ sở 2, Phòng Đối ngoại, Trung tâm Nghiên cứu khoa học, tự ý thành lập Trung tâm sản xuất - dịch vụ... mà không bàn bạc với tập thể lãnh đạo nhà trường và cũng không xin phép UBND tỉnh. Từ đó đến nay, nhà trường không có một đề tài nghiên cứu nào; không có cán bộ chuyên trách nên thiết bị, tài sản xuống cấp, hư hỏng rất nhiều; không có người chuyên trách mua và cung cấp vật tư thực hành cho HSSV.

Văn bản yêu cầu Trường CĐ Nghề Phú Thọ báo cáo sự việc gửi về Tổng cục GDNN trước ngày 25/11/2018
Văn bản yêu cầu Trường CĐ Nghề Phú Thọ báo cáo sự việc gửi về Tổng cục GDNN trước ngày 25/11/2018 

Đến mập mờ thu chi

Theo đơn tố cáo của bà Phạm Thị Hương, ông Trần Minh Tuấn đã tự ý thu các khoản đóng góp của HSSV. Chẳng hạn dưới danh nghĩa “Thu tiền các khoản phục vụ học sinh năm học 2017 - 2018”, ông Tuấn chỉ đạo thu: Tiền bảo vệ, vệ sinh: 50.000 đồng/tháng; Tiền quản lý ký túc xá: 40.000 đồng/tháng; Tiền áo đồng phục: 120.000 đồng/chiếc; Tiền trang phục thực hành: 160.000 đồng/bộ… nhưng hết năm học, nhà trường vẫn không phát trang phục thực hành cho HSSV. Năm học 2018 - 2019, ông Trần Minh Tuấn lại tiếp tục tự ý cho thu nhiều khoản với mức cao hơn, thậm chí cao gấp đôi như tiền quản lý KTX từ 40.000 đồng tăng lên 80.000 đồng...

Bà Hương cho rằng, ông Tuấn đã khai khống gần 100 HSSV nhập học năm 2017, để đề nghị Nhà nước cấp bù học phí. Ngoài ra, ông Tuấn còn tự ý thưởng, chi trả tiền phép cho một số người thân cận ngoài quy chế gần 67 triệu đồng, trong khi nhiều người không được nghỉ hết phép và không được thông báo thanh toán tiền phép.

Bà Hương cũng liệt kê nhiều khoản chi tiêu vô lí khác trong việc tiếp khách, thu phương tiện…gây thâm hụt ngân quỹ. Theo bà, những hành động, việc làm của ông Tuấn khiến môi trường sư phạm bị phá vỡ, HSSV không được bảo vệ, dạy chay, học sinh không có kiến thức để áp dụng vào thực tế.

Hai năm học gần đây, nhà trường không những không tuyển đủ chỉ tiêu mà HSSV cũng bỏ học ồ ạt. Riêng trong năm học 2017 - 2018, đã có gần 400 em bỏ học. Có những lớp phải xóa cả phiên hiệu lớp, đó là chưa kể số HSSV đã bỏ học nhưng không được xóa tên. Số HSSV bị xóa tên gần bằng số HSSV tuyển mới trong một năm.

Trong biên bản bàn giao vào tháng 9/2016, ông Trần Minh Tuấn tiếp quản 2.375 HSSV. Chưa kể số tuyển mới trong các năm tiếp theo, đến thời điểm này, số lượng HSSV của trường còn chưa đầy 40% so với số lượng bàn giao, trong đó hơn 80% là học sinh hệ trung cấp.

Liên quan đến thông tin về việc trong khoảng thời gian 3 tháng, Trường CĐ Nghề Phú Thọ ra quyết định buộc thôi học, xóa tên đối với hơn 400 sinh viên trong năm học 2017 - 2018, vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã có văn bản yêu cầu nhà trường báo cáo cụ thể về sự việc trước ngày 25/11 để báo cáo lãnh đạo Bộ.

Sáng 21/11, Báo GD&TĐ liên hệ xin được làm việc với ông Trần Minh Tuấn - để làm rõ nội dung đơn thư tố cáo của bà Hương, nhưng Hiệu trường Trường CĐ Nghề Phú Thọ cáo bận họp và hẹn vào dịp khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.