Trước thềm năm học mới: Nỗi niềm đất Mũi

Trước thềm năm học mới: Nỗi niềm đất Mũi

Gian truân đường tới trường

(GD&TĐ) - Là người dẫn chúng tôi đi mục sở thị những điểm trường khó khăn nhất của Ngọc Hiển, thầy Đỗ Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Ngọc Hiển cho biết, tình trạng học sinh bỏ học do một số nguyên nhân. Trong đó chủ yếu là: Các em có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; những học sinh có học lực yếu kém; một số em nhà ở xa trường, đi lại khó khăn; một số em thuộc các gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh.

Học sinh Ngọc Hiển sẵn sàng cho ngày khai trường
Học sinh Ngọc Hiển sẵn sàng cho ngày khai trường

Quả là con đường đi lại gian truân. Là người đã quen thuộc địa hình sông nước, mà ranh giới chỉ là những rừng đước bạt ngàn, nhưng cả thầy Tâm  và thầy Thông, cán bộ Văn phòng Sở GD&ĐT đôi khi vẫn có thể nhầm “đường”.

Thầy  Huỳnh Văn Thơi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 xã Viên An Đông - mới được điều động về đây làm công tác quản lý theo sự điều động luân chuyển của Phòng cho biết: “Tôi mới về đây 14 ngày. Tôi ước ao có khoảng 30 - 50 triệu để làm bờ kè vững chắc không cho nước biển xâm lấn lớp học, khi vào mùa mưa. Còn bây giờ bờ kè làm bằng đất đắp lên, chỉ sau 2 năm, lại phải làm lại.

Đó là chưa kể lớp lún, tường loang lổ, mái tôn nóng nực, bàn ghế cũ kỹ… Nếu từ ngoài nhìn vào, cứ như khu nhà bỏ hoang. Trường có 2 điểm trường, đó là điểm trường Kênh 2,5m và điểm trường Cây Phước, nằm cách trường khoảng 7km (đường kênh rạch). 

Chi hội trưởng Hội khuyến học ấp Xẻo Lá (xã Viên An Đông) Trần Hùng Vĩnh, từng là lính biên phòng, cũng là người rất nhiệt huyết hết lòng vì giáo dục, cho biết, ông mong mỏi cho con em vùng này có cái chữ. Đất Mũi ban cho con người những ưu ái đặc biệt là hệ sinh quyển, về đặc sản, nhưng cũng “làm khó” con người bởi con nước 2 mùa lên xuống. 

Thực tế cho thấy, một số phụ huynh học sinh vì kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên chỉ lo cái ăn, cái mặc mà thiếu sự quan tâm đến việc học của con em mình thậm chí còn ép con em mình nghỉ học để phụ tiếp làm kinh tế gia đình nên dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Tư tưởng học xong rồi cũng   về với biển, đánh cá quăng chài thả lưới… cho nên cũng ảnh hưởng đến “sức bật” về tri thức đối với con em của họ.

Con đường tới lớp học HS Trường Tiểu học 3 xã Tam Giang Tây
Con đường tới lớp học HS Trường Tiểu học 3 xã Tam Giang Tây

Đi tìm giải pháp đồng bộ

Cuối năm học 2012 - 2013, tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học của Cà Mau là 1,43%, trong đó tỷ lệ học sinh bỏ học tương ứng theo từng cấp tiểu học, THCS, THPT lần lượt là 0,40%, 2,24%, 3,27%.

Số học sinh phổ thông tỉnh Cà Mau bỏ học sau hè là 868 em, trong đó học sinh Tiểu học bỏ học 338 em, học sinh THCS bỏ học 166 em, học sinh THPT bỏ học 364 em.

Trong thời gian vừa qua Sở GD&ĐT Cà Mau đã có nhiều cố gắng trong việc điều động giáo viên có tay nghề chuyên môn cao để tăng cường cho các trường vùng sâu, xây dựng thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho việc dạy và học.

Tuy nhiên chất lượng dạy và học giữa thành thị và nông thôn vẫn còn chênh lệch do số giáo viên được điều động về các xã, huyện không có nhà công vụ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên bỏ việc.

Ông Hoàng Ngọc Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT Ngọc Hiển cho biết năm học 2013 - 2014, Ngọc Hiển đã có 29 giáo viên làm đơn xin chuyển công tác  đi nơi khác. Có lẽ lý do  “khổ quá” mà họ xin đi… Điều này ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của ngành mà bắt đầu bước vào năm học mới, Sở GD&ĐT Cà Mau và ngành GD&ĐT Ngọc Hiển  phải bắt tay giải quyết sớm việc chắp vá và lấp chỗ trống khuyết thuyết giáo viên.

Tất cả nhằm đưa đầy đủ học sinh đến trường. Trước mắt, Sở GD&ĐT giao cho thủ trưởng các cơ sở giáo dục trong tỉnh rà soát thống kê những học sinh đã bỏ học, những học sinh đã đến trường nhưng có học lực yếu, kém; phối hợp chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ những gia đình khó khăn về kinh tế.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Minh Hồng cho biết: Sở  cũng tích cực tham mưu UBND tỉnh tìm nguồn kinh phí để duy trì chương trình hỗ trợ tiền đò cho học sinh là con hộ nghèo, tặng tập vở, quà từ nguồn khuyến học, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó bằng công tác xã hội hóa giáo dục.  

Các cấp có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh gia đình kinh tế gặp khó khăn và học sinh nhà xa trường, phương tiện đi lại khó khăn để tạo điều kiện cho các em đến trường.  Những chiếc cặp sách đồng thời là những chiếc áo phao được dành tặng riêng cho các trẻ em nghèo vùng khó mà tôi đã nhìn thấy ở Trường Tiểu học Nông trường 414. 

Sở GD&ĐT cũng đã rất sát sao trong việc chỉ đạo các nhà trường tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu kém; Kết hợp với chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh, các ban ngành đoàn thể có liên quan trên địa bàn để vận động đối tượng học sinh yếu kém bỏ học trở lại trường hoặc vào các lớp bổ túc văn hóa ở địa phương. 

Hoàn cảnh thực tại ấy đã kéo theo nhiều giải pháp cho trẻ em vùng khó đến trường. Tuy nhiên khắc phục tình trạng học sinh bỏ học đến đâu, là việc làm không chỉ của riêng ngành Giáo dục Cà Mau, còn là sự nhận thức của chính phụ huynh học sinh, của chính quyền và các ban ngành - trong chặng đường dài không ngơi nghỉ. 

Năm học vừa qua, ngành Giáo dục Cà Mau đã được Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đầu tư xây dựng Trường THCS Phường 7 - TP Cà Mau trị giá hơn 20 tỷ đồng; Ngân hàng Công Thương hỗ trợ đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Phường 9 - TP Cà Mau 30 tỷ đồng;

Ngân hàng Phát triển đầu tư hỗ trợ nâng cấp Trường tiểu học Trần Hợi huyện Trần Văn Thời 3,2 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển hỗ trợ xây dựng Trường Tiểu học Thị trấn Đầm Dơi 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ tiền mặt 30 triệu đồng, 110 ngàn cuốn tập học sinh, 98 chiếc xe đạp để tặng học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó trong học tập và khoảng trên 12.000m2 đất do nhân dân Cà Mau hiến tặng để xây dựng trường học.

Chu Thị Thơm 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ