Dựa trên tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT, các trường sẽ xây dựng phương án xét tuyển.
Các trường sẽ xây dựng điểm xét tuyển của trường hoặc từng ngành, nhưng phải đảm bảo điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và đảm bảo yêu cầu: Điểm xét tuyển đợt xét tuyển sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước.
Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức.
Cho đến thời điểm này, các thí sinh đã biết điểm thi THPT quốc gia và đang cân nhắc các cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Những năm trước, khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức "ba chung", ngưỡng “điểm sàn” tuyển sinh đại học thường ở mức từ 13 đến 14 điểm; cao đẳng thường từ 10 đến 12 điểm, tuỳ theo khối thi.
Thông tin sơ bộ, kết quả thi năm nay tập trung chủ yếu ở ngưỡng điểm 5 - 6 điểm. Với phổ điểm này, các trường nhóm giữa sẽ có nguồn tuyển dồi dào hơn so với mọi năm.
Cũng theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước ngày 25/7, các Sở GD&ĐT sẽ hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT; cập nhật vào phần mềm quản lý thi và gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ về Bộ GD&ĐT và công bố kết quả tốt nghiệp THPT;
Trước ngày 27/7, Hiệu trưởng trường THPT cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại chứng nhận (bản chính) cho thí sinh.
Trước ngày 30/7, các Hội đồng thi do trường ĐH chủ trì, các Sở GD&ĐT, các đơn vị đăng ký dự thi in và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh đã đăng ký dự thi để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ.