Mã số MT03:

Trúng tuyển Đại học Bách khoa, nam sinh mồ côi cha mẹ ngậm ngùi lo không xoay nổi học phí vào trường

GD&TĐ - Ba là giáo viên, mất trong lần đi dạy về. Vài năm sau, mẹ cũng mất vì ung thư. 4 anh em Ánh bỗng lâm vào cảnh mồ côi, phải sống nhờ bà ngoại.

Ba mẹ đều đã mất, Nguyễn Đức Quang Ánh lo lắng nếu mình đi học thì khó khăn lại dồn lên vai bà ngoại và chị tàn tật.
Ba mẹ đều đã mất, Nguyễn Đức Quang Ánh lo lắng nếu mình đi học thì khó khăn lại dồn lên vai bà ngoại và chị tàn tật.

Nhận được tin trúng tuyển vào ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thuộc Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Nguyễn Đức Quang Ánh (SN 2000, trú tại huyện Gio Linh, Quảng Trị) rất mừng vui.

Nhưng niềm vui mừng ấy chợt ngắn lại, bởi nỗi băn khoăn, lo lắng ập đến vì em chưa biết lấy tiền đâu để lo cho mấy năm học.

Dù học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên, nhưng Quang Ánh có điểm xét tuyển đại học 3 môn Toán, Lý, Hóa đạt 27,76 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Ba mẹ mất sớm bỏ lại 4 con thơ

Gia cảnh hiện tại của Nguyễn Đức Quang Ánh thật éo le. Hiện em và người chị tàn tật của mình đang sống cùng bà ngoại đã 82 tuổi.

Ba em Ánh trước đây từng là một giáo viên dạy bậc THCS. Năm 2002, trong một lần đi dạy về, không may ba Ánh bị tai nạn giao thông rồi mất sớm. Ba mất khi Ánh mới lên 2 tuổi, người anh trai kế em là Nguyễn Đức Quang Nhật cũng mới lên 5 tuổi.

Ba mất để lại một mình mẹ phải gồng gánh nuôi 4 chị em. Trong đó, chị gái đầu của Ánh là Nguyễn Thị Hoài Thương (SN 1992) bị tàn tật từ nhỏ, không đi lại được.

nam-sinh-mo-coi-9.jpg
Hiện 3 bà cháu sinh sống trong tình thương giúp đỡ của mọi người.

Để lo cho con cái ăn, cái mặc, mẹ Ánh gồng gánh buôn bán hàng ở chợ, trồng trọt, chăn nuôi. Lúc nhàn rỗi thì đi trồng mía, cắt rau, hái sim thuê... cho người khác.

Cuộc sống khó khăn nên 5 mẹ con sống tằn tiện, rau cháo nương tựa vào nhau.

Thế rồi, năm 2009, nỗi bất hạnh một lần nữa ập đến gia đình. Mẹ Ánh phát hiện bị ung thư dạ dày, rồi mất cách đó vài tháng. Mẹ mất khi Ánh mới lên 7, anh trai cũng mới 12 tuổi.

nam-sinh-mo-coi-8.jpg
Chị của Ánh bị tàn tật, không đi lại được nhưng em vẫn cố gắng học tập cùng chiếc máy tính.

Từ đây, người chị tàn tật và 3 đứa em lâm vào cảnh bơ vơ, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà ngoại của Ánh là Phạm Thị Diệu (82 tuổi) phải đưa các cháu về nhà chăm sóc.

Bỏ học 5 năm mới đi học lại

Mất đi 2 người thân yêu nhất, cuộc sống của 4 chị em cũng cùng cực hơn. Quang Ánh cũng sinh ra chán nản, học hành sa sút. Lên năm lớp 8 thì em bỏ học, sa vào chơi bời lêu lỏng, thậm chí mê game.

Trong thời gian nghỉ học, Ánh vẫn đi làm nhang để kiếm thu nhập. Vài năm sau, khi được mọi người động viên, em quyết tâm đi học trở lại.

“Lúc đó, bản thân đã 19 tuổi nhưng được thầy, cô và mọi người động viên nên em quyết tâm đi học trở lại. Em nghĩ rằng, chỉ có đi học mới có cơ hội thay đổi cuộc sống sau này”, Ánh chia sẻ.

nam-sinh-mo-coi-4.jpg
Thành tích Ánh đạt được thể hiện nghị lực vượt khó vươn lên.

Sau nhiều năm nghỉ học, Ánh trở lại học lớp 8 ở Trường THCS Gio Linh. Do quá tuổi nên Ánh phải học cùng các bạn nhỏ tuổi hơn. Tuy nhiên, kết quả 2 năm cuối cấp, em đạt kết quả khá.

Lên cấp 3, Ánh được nhận vào học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gio Linh. Tại đây, em được các thầy, cô giáo động viên, hỗ trợ trong quá trình học. Với nghị lực của bản thân, trong 3 năm học em đều đạt kết quả học sinh giỏi. Kỳ thi tốt nghiệp năm 2024, em cũng đạt được số điểm tương đối.

nam-sinh-mo-coi-2.jpg
Ngoài giờ học, Ánh đi làm gia sư, làm thêm để giúp đỡ bà.

Cô Hoàng Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gio Linh cho biết, Ánh là học sinh đặc biệt, lớn hơn về tuổi tác nên hay bị các bạn học trêu đùa. Dù vậy, Ánh học trội hơn các bạn rất nhiều, 3 năm học sinh giỏi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT này, điểm xét tuyển đại học của Ánh đạt 27,76.

“Biết gia đình Ánh có hoàn cảnh khó khăn nên nhà trường cũng có hình thức động viên, giúp đỡ. Ánh có nghị lực đáng khen ngợi, em rất chăm chỉ, chịu khó, ngoan ngoãn, nỗ lực học tập, rất trách nhiệm”, cô Dung chia sẻ.

4 chị em sống nương nhờ bà ngoại già yếu

Từ ngày cha mẹ đều mất, 4 chị em Ánh sống nương tựa vào bà ngoại Phạm Thị Diệu trong căn nhà chật hẹp, chưa được tô trát.

Căn nhà do bà Diệu chắt bóp từ bán gà, vịt để xây từ 2 năm trước khi mẹ Ánh mất. Gian nhà nhỏ chỉ có một phòng khách ở trước và một phòng ngủ vừa đủ chiếc giường đơn.

nam-sinh-mo-coi-6.jpg
Bà Diệu lo lắng cho cháu mình, bởi Ánh đi học sẽ gặp nhiều khó khăn.

5 bà cháu nằm xoay ngang trên chiếc giường ọp ẹp. Bà Diệu kể, chiếc giường sập xuống không biết bao nhiêu lần, rồi giường hư hẳn thì trải chiếu nằm giữa nền nhà.

Đến năm 2012 và 2014, 3 tổ chức hỗ trợ tiền làm thêm hai phòng ở hai bên. 3 phòng liền nhau, xây chắp nối qua tháng năm trở thành nơi tá túc của 5 bà cháu.

15 năm trước, khi còn khỏe, bà Diệu làm thuê đủ nghề để nuôi cháu. Nay bà đã hơn 80 tuổi, thường đau yếu nên không làm được gì, sống nhờ những đồng trợ cấp tuổi già.

Bà Diệu cho biết, nhờ nghị lực vượt khó, cùng sự hỗ trợ của xã hội mà chị gái thứ 2 của Ánh là Nguyễn Thị Kiều Anh và anh trai Nguyễn Đức Quang Nhật đã học xong đại học. Bây giờ, chị gái có gia đình riêng làm kế toán. Còn anh trai mới ra trường, làm bác sĩ. Chị gái đầu dù tàn tật cũng ngày ngày học tập bên chiếc máy tính.

Gặp chúng tôi, bà Diệu khẩn cầu: “Mong mọi người thương cho hoàn cảnh bà cháu tui (tôi) và giúp cháu Ánh có cơ hội đi học đại học. Cháu Ánh cũng là niềm hy vọng cuối cùng của tui. Ba mẹ cháu mất sớm, nay cháu đi học được tui cũng rất mừng. Cháu được đi học đại học, sau này có nghề nghiệp, có thu nhập thì dẫu tui nhắm mắt cũng yên tâm, chứ phận mồ côi tội lắm chú à”.

nam-sinh-mo-coi-1.jpg
Người bà già yếu vẫn xem các cháu mình là niềm hy vọng, là động lực để cố gắng.

Về phần Ánh, em cũng rất muốn đi học, được theo đuổi ước mơ học tập để sau này có thu nhập phụng dưỡng bà già yếu và nuôi chị tàn tật.

Ánh chia sẻ: "Mấy chị em không may sớm mồ côi từ nhỏ. Ban đầu em cũng lêu lỏng nhưng sau đã quyết tâm đi học lại và trúng tuyển đại học. Nhưng nghĩ đến khoản chi phí mấy năm học em cũng hết sức lo lắng. Em rất mong được đi học để sau này giúp cho bà và chị. Mong cộng đồng quan tâm, tiếp sức cho em được đến với giảng đường đại học. Trong quá trình học em sẽ vừa học, vừa làm để kiếm tiền trang trải các chi phí”.

Anh trai Ánh – Nguyễn Đức Quang Nhật, hiện là bác sĩ khoa Ngoại chấn thương - bỏng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị. Hiện em được Bệnh viện hỗ trợ học nâng cao nghiệp vụ một năm tại TP HCM.

Quang Nhật cho biết, vì mới ra trường chưa có thu nhập đủ để lo cho em. Nhưng khi học xong chắc chắn em sẽ làm mọi cách để em trai không bỏ học.

Qua bài viết này, chúng tôi rất mong nhận được sự chung tay, quan tâm, sẻ chia khó khăn của quý bạn đọc, để em Nguyễn Đức Quang Ánh có điều kiện học tập và đạt được ước mơ của mình.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

1. Văn phòng đại diện thường trú Báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ.

Địa chỉ: Số 2, ngõ 5 đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Hotline: 0913.473.217

2. Hoặc ủng hộ qua số tài khoản

Tên TK: Văn phòng đại diện thường trú Báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ

Số TK: 111601684999

Nội dung chuyển khoản: MT02

Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Hà Tĩnh.

3. Bạn đọc chia sẻ với em Nguyễn Đức Quang Ánh (thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), theo mã số MT03. Điện thoại: 0708054474.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.