Trung tâm tư vấn và phát triển GD: 'Chìa khóa của sự thành công'

GD&TĐ - Trung tâm tư vấn và phát triển giáo dục ra đời tại Thanh Hoá sẽ giải quyết nhu cầu giáo dục hoà nhập cho trẻ, tư vấn du học, hướng nghiệp…

Trung tâm tư vấn và phát triển giáo dục khai trương cơ sở 2 tại Thanh Hoá. (Ảnh: NT).
Trung tâm tư vấn và phát triển giáo dục khai trương cơ sở 2 tại Thanh Hoá. (Ảnh: NT).

Sáng ngày 7/5, Trung tâm tư vấn phát triển giáo dục (trực thuộc Hội Khoa học Tâm lí - giáo dục Việt Nam) chính thức khai trương cơ sở 2 tại Thanh Hoá.

Trước đó, vào năm 2003, Trung tâm đã được Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí – Giáo dục Việt Nam ký quyết định thành lập với các nhiệm vụ như: Phổ biến kiến thức, tổ chức các khoá học, các lớp bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm; Tổ chức và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học về giáo dục- đào tạo; Tham gia các hoạt động tư vấn, thẩm định đánh giá các dự án giáo dục theo yêu cầu của cơ quan liên quan; Tư vấn và thực hiện các dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tư vấn giới thiệu học sinh đi du học nước ngoài; Thực hiện hợp tác về giáo dục – đào tạo trong nước và quốc tế.

Tiến sĩ Hồ Quang Hoà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển giáo dục tại Thanh Hoá. (Ảnh: NT).
Tiến sĩ Hồ Quang Hoà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển giáo dục tại Thanh Hoá. (Ảnh: NT).

Đến nay, sau 20 năm thành lập và phát triển, Trung tâm tư vấn và phát triển giáo dục tiếp tục mở rộng và đặt cơ sở 2 tại Thanh Hoá.

Theo Tiến sĩ Hồ Quang Hoà, Giám đốc Trung tâm tư vấn và phát triển giáo dục tại Thanh Hoá, Trung tâm ra đời sẽ giải quyết rất nhiều nhu cầu về tư vấn du học, tư vấn hướng nghiệp, tham vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên, giáo dục hoà nhập… trên địa bàn Thanh Hoá.

Với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia trong hội đồng khoa học của Trung tâm như: PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục, trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội; TS Chu Thị Hồng Nhung - Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học giáo dục, Trường ĐHGD, ĐHQG Hà Nội; TS Phan Quốc Lâm - Trường Đại học Văn Lang; PGS TS Phạm Mạnh Hà - Giám đốc trung tâm hợp tác bồi dưỡng, Trường ĐHGD, ĐHQG Hà Nội… phụ huynh, học sinh cũng như các đối tác hoàn toàn có thể yên tâm và tin tưởng khi đến với Trung tâm.

Rất nhiều vấn đề như tư vấn du học, định hướng nghề nghiệp, giáo dục hoà nhập... được Trung tâm hướng đến. (Ảnh: NT).
Rất nhiều vấn đề như tư vấn du học, định hướng nghề nghiệp, giáo dục hoà nhập... được Trung tâm hướng đến. (Ảnh: NT).

Về lĩnh vực du học, ngày nay, du học đã trở thành một lựa chọn phổ biến cho nhiều học sinh. Tuy nhiên, tìm hiểu và đăng ký chương trình du học có thể rất phức tạp và đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm đặc biệt.

Nhiều phụ huynh muốn cho con đi du học nhưng gặp khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề, apply hồ sơ và khó khăn trong việc tìm nguồn học bổng cho con; nhiều người muốn sang nước ngoài làm việc theo dạng du học nhưng chưa tìm được hướng đi hợp pháp.

Trung tâm sẽ là nơi có thể cung cấp cho học sinh các thông tin và hỗ trợ cần thiết để giúp họ đưa ra quyết định thông minh và chuẩn bị cho chuyến đi du học của mình.

Cũng theo ông Hoà, ở Thanh Hóa, có nhiều địa chỉ dạy và luyện thi IELTS nhưng số giáo viên tham gia giảng dạy đạt trình độ IELTS từ 7.5 trở lên không nhiều. Trung tâm Tư vấn và phát triển giáo dục có đội ngũ giáo viên đạt IELTS từ 7.5 để test và tư vấn cho người học về lộ trình học, phương pháp và kinh nghiệm luyện thi phù hợp nhu cầu du học.

Về lĩnh vực tâm lý giáo dục, Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam là Hội khoa học chuyên ngành về Tâm lý và giáo dục. Hội có đội ngũ Hội viên, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực tâm lý, giáo dục. Trên nền tảng đó, các viện nghiên cứu và trung tâm trực thuộc Hội được hỗ trợ rất tốt về vấn đề chuyên môn.

Trung tâm có đội ngũ chuyên gia trong hội đồng khoa học đang công tác tại Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NT).

Trung tâm có đội ngũ chuyên gia trong hội đồng khoa học đang công tác tại Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NT).

Mục tiêu của Trung tâm tư vấn phát triển giáo dục về giáo dục hòa nhập là tạo ra một môi trường giáo dục tốt nhất cho tất cả các học sinh và sinh viên, bao gồm cả những người có khuyết tật và những người có khó khăn trong việc hòa nhập xã hội và giáo dục. Đồng thời, Trung tâm sẽ hỗ trợ cho các giáo viên, gia đình và học sinh, sinh viên để họ có thể đạt được mục tiêu giáo dục của mình và đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Trung tâm cũng sẽ là nơi cung cấp các khóa học và chương trình đào tạo bồi dưỡng, đồng thời sẽ thực hiện các hoạt động nghiên cứu liên quan đến tâm lý học.

Đặc biệt là mục tiêu tham vấn tâm lý trong việc giảm bạo lực học đường. Tham vấn tâm lý sẽ giúp học sinh, giáo viên và nhân viên trong trường học có thể nhận ra các hành vi bạo lực và học cách giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả.

Giáo viên sẽ được đào tạo để phát hiện và ngăn chặn các hành vi bạo lực trong lớp học. Họ cũng sẽ được hướng dẫn về các kỹ năng và phương pháp giảng dạy tích cực và khuyến khích sự hợp tác và trao đổi giữa học sinh. Tham vấn tâm lý cũng sẽ giúp học sinh học cách giải quyết mâu thuẫn một cách khôn ngoan và tích cực. Họ sẽ được đào tạo các kỹ năng giải quyết xung đột, tăng cường sự kiên nhẫn và tự kiểm soát cảm xúc.

Trung tâm phát triển giáo dục cũng hướng đến mục tiêu hướng nghiệp cho học sinh, thực hành bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên.

Nơi đây sẽ là địa chỉ tin cậy tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh và sinh viên có thể đưa ra các quyết định hướng nghiệp chính xác và phù hợp với năng lực, sở thích, giá trị và mục tiêu của mình.

Các giáo viên của trung tâm sẽ cung cấp các thông tin và tài nguyên về các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau, các chương trình học và các cơ hội nghề nghiệp; giúp học sinh và sinh viên đánh giá năng lực và sở thích của mình, từ đó tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp phù hợp….

Để nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, trung tâm sẽ phối hợp với các trường đại học tổ chức các khóa bồi dưỡng. Đồng thời, trung tâm sẽ tổ chức các lớp học để giáo viên có điều kiện được thực hành nghiệp vụ trên chính đối tượng thật của mình, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương công tác.

10 nội dung sẽ triển khai tại cơ sở của trung tâm ở Thanh Hóa như: Tổ chức bồi dưỡng các lớp: Chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên phổ thông, các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm; Tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh; Tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp và tham vấn tâm lý trong các nhà trường phổ thông.

Đặc biệt, Trung tâm sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng các nội dung theo Modules do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; Tổ chức các lớp bồi dưỡng về tham vấn hoạt động tâm lý, giáo dục đặc biệt.

Bên cạnh đó, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển giáo dục; Tư vấn, giới thiệu học sinh đi du học; Tổ chức các lớp giáo dục đặc biệt cho trẻ (trẻ gặp khó khăn trong học tập; trẻ cần can thiệp tâm lý, giáo dục hòa nhập…).

Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ thẩm định các chương trình giáo dục: Giáo dục đặc biệt; giáo dục kĩ năng sống; hoạt động trải nghiệm trong giáo dục; Đấu thầu đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục- tâm lý; Thẩm định, đánh giá, chấm sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên dạy giỏi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ