Trung tâm GDTX Hải Phòng: Tiếp tay cho Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 trái phép?

GD&TĐ - Trước những sai phạm về việc đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô, hàng trăm sinh viên đang theo học lớp chính quy văn bằng 2, Khoa Luật Kinh tế do trường này liên kết tổ chức đào tạo với Trung tâm GDTX Hải Phòng như đang “ngồi trên đống lửa”. 

Trung tâm GDTX Hải Phòng
Trung tâm GDTX Hải Phòng

Trước sự việc, ông Nguyễn Văn Thiện – Giám đốc TT GDTX Hải Phòng phủ nhận: Trung tâm chỉ cho thuê phòng, không chịu trách nhiệm quản lý.

Tiếp tay cho sai phạm?

Ngay sau khi nhận được thông tin về việc khởi tố bắt giữ hiệu trưởng và cán bộ của Trường ĐH Đông Đô do sai phạm trong đào tạo, hàng trăm sinh viên đang theo học lớp liên kết đào tạo giữa trường này với Trung tâm GDTX Hải Phòng vô cùng lo lắng về tính hợp pháp của ngành nghề mình đang theo học. Họ đã kiến nghị tới lãnh đạo Trung tâm GDTX đồng thời gửi đơn lên cơ quan chức năng.

Theo phản ánh của các sinh viên, Trường ĐH Đông Đô đang đào tạo nhiều lớp văn bằng 2 Luật Kinh tế tại Hải Phòng với số lượng lên đến hàng trăm học viên. Tháng 6/2017, Trung tâm GDTX Hải Phòng phát đi thông báo tuyển sinh lớp chính quy văn bằng 2. Sau khi nộp hồ sơ, mỗi học viên đều được nhận giấy nhập học và tham gia học tập tại trung tâm. Suốt quá trình học, trung tâm này luôn có giáo viên kết hợp với Trường ĐH Đông Đô trong quản lý đào tạo. Đồng thời, mọi biên lai thu học phí đều do Trung tâm GDTX Hải Phòng phát ra và đóng dấu.

Trước khi sự việc vỡ lở, trên website của Trung tâm GDTX Hải Phòng quảng cáo rất hoành tráng về việc liên kết đào tạo với trên 20 trường đại học và thông báo tuyển sinh rất nhiều lớp liên kết trong đó có Trường ĐH Đông Đô. Nhưng ngay sau đó, nhiều sinh viên lật lại trang thông tin tuyển sinh văn bằng 2 cho Trường ĐH Đông Đô thì website đã bị xóa. Chỉ đến gần đây, trang web mới được khôi phục lại, nhưng toàn bộ dữ liệu tuyển sinh năm 2017 đã... biến mất.

Tuy nhiên, khi những sai phạm về việc đào tạo văn bảng 2 của Trường ĐH Đông Đô bị phanh phui, hàng trăm sinh viên tại Hải Phòng mới “ngã ngửa” và vô cùng lo lắng về tính hợp pháp của văn bằng mình học.

Theo một sinh viên lớp LK 522-03, mỗi học viên lớp văn bằng 2 đều phải đóng học phí 6 kỳ, mỗi kỳ có mức học phí từ 6 - 7,1 triệu đồng. Ước tính số tiền học viên đã đóng lên tới gần 10 tỷ đồng. Cũng theo học viên này, trước đó, mỗi người cũng đã phải đóng 100.000 đồng để làm thẻ sinh viên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa ai nhận được thẻ. Nhiều sinh viên bức xúc với cách thu tiền “vô tội vạ” của Trung tâm GDTX Hải Phòng. Theo phản ánh của các sinh viên, trước khi tốt nghiệp, Trung tâm GDTX Hải Phòng đã bắt học viên nộp lại toàn bộ hồ sơ nhập học.

Sự bao biện khó tin

Sau khi sự việc trên vỡ lở, Báo GD&TĐ liên hệ với ông Nguyễn Văn Thiện - Giám đốc Trung tâm GDTX Hải Phòng để tìm hiểu thêm một số thông tin và căn cứ pháp lý liên quan. Theo ông Thiện, Trường ĐH Đông Đô tổ chức tuyển sinh các lớp văn bằng 2 và liên thông từ ngày 4/5/2017. Sau đó, các học viên đã nộp hồ sơ, học phí và tham gia học tập theo đúng quy định của nhà trường. Trường ĐH Đông Đô đã cử giảng viên xuống Trung tâm GDTX Hải Phòng giảng dạy theo kế hoạch đào tạo. Đến nay, các học viên đã hoàn thành khóa học theo chương trình đào tạo của trường này và đã tham gia kỳ thi tốt nghiệp vào ngày 6/7/2019.

Từ năm 2017 đến nay, Trường ĐH Đông Đô đã mở được các lớp tại Trung tâm GDTX Hải Phòng gồm: Hệ liên thông 30 người; văn bằng 2 ngành Luật Kinh tế 52 người; Trung cấp lên đại học 81 người; THPT lên đại học 25 người. Ngay sau khi nhận được thông tin về tiêu cực của Trường ĐH Đông Đô, đại diện các lớp liên kết đã đến gặp ông Thiện để kiến nghị những vấn đề liên quan đến tính hợp pháp của khóa học. Ông Thiện cho biết đã cùng lãnh đạo nhà trường lên Trường ĐH Đông Đô để làm việc; đồng thời gửi văn bản đến Ban Giám hiệu nhà trường nhưng đến nay chưa có câu trả lời.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc liên kết đào tạo văn bằng 2 giữa Trường ĐH Đông Đô và Trung tâm GDTX Hải Phòng, ông Thiện khẳng định, trung tâm không liên kết đào tạo với Trường ĐH Đông Đô mà chỉ cho đơn vị này thuê phòng. Trước thông tin, trung tâm cử giáo viên quản lý các lớp học và thu các khoản phí đào tạo và phụ phí khác, ông Thiện cho biết, điều đó được Trường ĐH Đông Đô nhờ và có trong hợp đồng giữa hai bên(?). Theo ông Thiện, tất cả những việc làm trên trung tâm đều báo cáo Sở GD&ĐT Hải Phòng nhưng là báo cáo bằng... miệng. Đây là sự bao biện đến khó tin của vị Giám đốc Trung tâm GDTX Hải Phòng.

Về vấn đề này, Báo GD&TĐ đã liên hệ với ông Nguyễn Anh Thuấn - Trưởng phòng GDTX, Chuyên nghiệp và Đại học Sở GD&ĐT Hải Phòng. Ông Thuấn cho biết, phòng không hề nhận được báo cáo từ trung tâm về việc liên kết đào tạo hay việc cho Trường ĐH Đông Đô thuê phòng học.

Cũng theo ông Thiện, sau khi biết Trường ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2 trái phép và nhận được kiến nghị của sinh viên ngày 21/8, Trung tâm GDTX Hải Phòng đã gửi văn bản báo cáo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng về vụ việc. “Công an đang điều tra, nên khi có kết luận chính thức tôi sẽ thông tin đến báo chí”, ông Thiện cho hay.

Ngày 22/8, ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, Sở có nắm được thông tin vụ việc và yêu cầu Trung tâm GDTX Hải Phòng làm báo cáo gửi sở nhưng đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.