Trung Quốc:Nổi lên mô hình trường học mini

GD&TĐ - Những ngôi trường chỉ có 1 lớp học, lớp học lại chỉ có khoảng chục học sinh – đang trở nên phổ biến hơn tại các thành phố lớn Trung Quốc. Điểm chung của các trường này là đáp ứng tối đa nhu cầu tiếp thu kiến thức của từng trẻ…  

Trung Quốc:Nổi lên mô hình trường học mini

Khơi gợi hứng thú học tập

Zhang Xiaodai từng là học sinh một trường THCS ở Thành Đô, Tây Nam Trung Quốc, nhưng cô bé không cảm thấy thích thú khi tới trường. Có một điều Zhang luôn băn khoăn là vì sao giáo viên thể dục thường xuyên nghỉ vì ốm bệnh – khiến hầu hết tiết thể dục được thay bằng Toán. “Cuộc sống ở trường của cháu là những bài học thuộc lòng bất tận, bài kiểm tra và thi cử” – cô bé 14 tuổi nhớ về cơn ác mộng.

Zhang chỉ tìm thấy niềm vui khi tham gia các chương trình vui vẻ do nhóm của Chi Xiao tổ chức vào dịp cuối tuần và kì nghỉ. Trong một trại hè chủ đề “Trứng”, Zhang được thăm trại gà, làm bánh từ trứng và sáng tác thơ về trứng. Cô bé yêu thích cách học này đến mức đăng kí thành học sinh đầu tiên của Trường Curionesty do Chi thành lập năm 2016. “Ở đây học sinh và giáo viên giống như bạn bè” – Zhang kể.

Chỉ trong 6 tháng, trường mini chỉ có 1 lớp này đã có 9 học sinh đăng kí, một nửa trong số đó đến từ các thành phố khác.

Nói về người lập trường, khi còn học THPT, Chi không phải là một học sinh “tốt” theo chuẩn truyền thống - Chi dành thời gian cho sáng tác thơ, nói chuyện về tình yêu và chơi video game. “Mọi người thường phản ứng tiêu cực với chuyện chơi. Chơi là lúc trẻ học về thế giới. Tôi đã học được tư duy logic và phản ứng nhanh qua video game” – Chi bày tỏ quan điểm. Chi đã đưa triết lí giáo dục đó vào trường học do mình lập ra. Anh tin rằng việc học nên vui vẻ và có ý nghĩa.

Kiến thức gắn với thực tiễn

Trường Curionesty không có phương pháp sư phạm hoặc chương trình cố định. Mỗi giáo viên tự thiết kế chương trình riêng. Mỗi học kì được chia thành 20 tuần, trong đó 2 hoặc 3 tuần là học kiểu “làm dự án” cùng với các chuyến dã ngoại học theo chủ đề. Các môn như Anh ngữ, tồn vong, ca kịch, địa lí, kinh tế học… là bắt buộc; trong khi các môn tự chọn dựa theo mối quan tâm của học sinh và dựa nhiều vào nguồn tài nguyên trên mạng Internet.

Một dự án yêu cầu học sinh xây một chiếc bếp bằng bùn và gạch, nấu đồ ăn trong 7 ngày. Học sinh phác thảo kế hoạch và phối hợp để xây bếp, nướng bánh pizza và cánh gà. Sau đó các em bán thành phẩm và lập kế hoạch chi tiêu thu nhập tại một công viên giải trí.

“Học sinh có thể khám phá ra tiềm năng của mình và chứng tỏ mình có thể là những kiến trúc sư, đầu bếp hay chủ tiệm pizza” – Chi nói.

Zhang là một trong số trẻ Trung Quốc tăng nhanh đang theo học tại các trường mini. Phụ huynh của các em này đều mong muốn con được học ở một môi trường ít áp lực học hành thi cử, được học tương tác và tư duy sáng tạo.

Những trường mini mang lại cho những học sinh như Zhang nhiều thời gian và không gian hơn để học theo cách riêng của cô bé.

Không có thống kê chính xác số trường mini tại Trung Quốc nhưng loại hình trường này đã xuất hiện tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu và Thành Đô.

Khi đã quyết định cho con theo học trường mini, phụ huynh cần xác định trước là con mình sẽ không học lên hệ thống đại học quốc gia bởi kiến thức không phù hợp với kì thi đại học; con họ sẽ chỉ có cánh cửa du học hoặc bước thẳng ra thị trường lao động khi đã được trang bị kiến thức nghề nghiệp tương đối phù hợp với thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ