Trung Quốc tuyển 52 nghìn cử nhân về nông thôn làm giáo viên

GD&TĐ - Kế hoạch tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học về nông thôn làm giáo viên được Trung Quốc triển khai từ năm 2006.

Thầy giáo hướng dẫn học sinh tại một điểm trường ở thị trấn Aidian, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Thầy giáo hướng dẫn học sinh tại một điểm trường ở thị trấn Aidian, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.

Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo có kế hoạch tuyển dụng 52.000 sinh viên tốt nghiệp đại học trong năm 2023 làm giáo viên Tiểu học và THCS tại các vùng nông thôn kém phát triển ở miền Trung và Tây nước này.

Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực cải thiện chất lượng giảng dạy ở các trường nông thôn và tăng số lượng giáo viên trong các môn như Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ, Khoa học và Nghệ thuật.

Động lực tuyển dụng chủ yếu là tìm kiếm giáo viên cho các trường học ở khu vực nghèo khó, nơi các địa phương đang tăng cường nỗ lực khôi phục cuộc sống của người dân nông thôn hay những nơi người dân tộc thiểu số sinh sống.

Các ứng viên cần tốt nghiệp đại học bằng cử nhân và không quá 30 tuổi. Sinh viên tốt nghiệp trường dạy nghề chuyên ngành giáo dục cũng đủ điều kiện để ứng tuyển.

Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục phân bổ các khoản trợ cấp bổ sung cho giáo viên mới tuyển dụng. Họ cũng được hưởng mức lương và các lợi ích khác tương đương với giáo viên trường công lập địa phương; hưởng các chính sách ưu tiên để đạt chức danh nghề nghiệp và đánh giá cuối năm.

Kế hoạch tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học về nông thôn làm giáo viên được Trung Quốc triển khai từ năm 2006. Thời điểm đó, nước này có 500.000 giáo viên không được đào tạo chính thức và 75,9% làm việc ở các vùng nông thôn.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, từ năm 2006 đến nay, 1,03 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đã làm việc tại các trường nông thôn.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ