Trung Quốc: Trường học không “mặn mà” với tiếng Anh

GD&TĐ - Theo ghi nhận sau một tuần tựu trường và áp dụng cải cách giáo dục, số tiết học tiếng Anh trong các trường phổ thông tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Tứ Xuyên giảm trong khi hoạt động thể thao, nghệ thuật tăng.

Tiếng Anh được dạy từ bậc tiểu học tại Trung Quốc.
Tiếng Anh được dạy từ bậc tiểu học tại Trung Quốc.

Cụ thể, thành phố Thượng Hải yêu cầu hủy bỏ kỳ thi môn Tiếng Anh cho học sinh tiểu học để giảm bớt gánh nặng học tập. Tỉnh Liêu Ninh hạ thấp điểm chuẩn môn Tiếng Anh trong kỳ thi đại học nhằm giảm tầm quan trọng của môn học này trong tổng điểm.

Chị Zou, sống tại Bắc Kinh, cho biết năm 2020 con gái 8 tuổi học 4 buổi tiếng Anh tại trường và 4 buổi học thêm online với giáo viên người Mỹ. Nhưng khi học kỳ mới bắt đầu từ tháng 9, thời lượng học tiếng Anh tại trường giảm còn 3 buổi/tuần. Lớp học thêm không được hoạt động.

Bà mẹ đánh giá, Tiếng Anh là môn học chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong kế hoạch cải cách giáo dục của Trung Quốc. Không công khai nhắm vào môn Tiếng Anh, cải cách nhằm giảm nhẹ khối lượng bài tập, cho phép học sinh phát triển kỹ năng thể thao, nghệ thuật.

Chị Zou bày tỏ: “Chính phủ dường như đang xem nhẹ tiếng Anh. Tôi rất ngạc nhiên trước động thái này. Khi tôi còn đi học, Tiếng Anh được coi là môn thiết yếu giúp Trung Quốc vươn ra thế giới”.

Những cải cách trên xuất hiện trong bối cảnh tranh luận ngày càng gay gắt về vấn đề người Trung Quốc có cần dành nhiều thời gian cho việc học ngoại ngữ hay không. Với chị Zou hay nhiều phụ huynh khác tại thành phố lớn, Tiếng Anh là môn học quan trọng, cần được đầu tư thay vì giảm tải. Bà mẹ khẳng định tự dạy con ngoại ngữ tại nhà.

Trước đó, Trung Quốc đã khuyến khích người dân học Tiếng Anh sau chính sách mở cửa vào cuối những năm 1970. Qua hai thập kỷ, Tiếng Anh trở thành môn học chính trong chương trình tiểu học.

Năm 2001, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành hướng dẫn, yêu cầu các trường tiểu học ở vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước đảm bảo dạy tiếng Anh trước lớp 3. Từ đó, giúp hiện đại hóa giáo dục để trao đổi với thế giới và đáp ứng nhu cầu tương lai. Xu hướng này đạt đến đỉnh cao vào năm 2008 với Olympic Bắc Kinh, tạo cơ hội để Trung Quốc thể hiện những thay đổi mạnh mẽ của mình.

Trong những năm gần đây, do căng thẳng leo thang với Mỹ và các nước phương Tây, cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, giá trị của môn Tiếng Anh được đem ra thảo luận.

Ông Xu Jin, thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã đề xuất loại bỏ môn Tiếng Anh khỏi chương trình tiểu học và THCS, đồng thời không bắt buộc trong kỳ thi đại học.

Khoảng 100 nghìn người ủng hộ Xu Jin, nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa đất nước.

Tuy nhiên, hơn 110 nghìn người đã phản đối đề xuất trên, cho rằng trẻ em nên được dạy tiếng Anh từ nhỏ để tăng khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong đó, chị Zou cho biết sẽ tích trữ tài liệu môn Tiếng Anh từ bây giờ để đề phòng chính phủ siết chặt kế hoạch cải cách.

“Những cuốn sách không chỉ dạy ngoại ngữ, mà còn thể hiện tư duy của phương Tây, giúp người học hình thành kỹ năng phản biện. Đây là điều không bao giờ được dạy ở trường”, chị Zou lập luận.

Song không phải phụ huynh nào cũng có khả năng dạy ngoại ngữ cho con cái. Chị Yuan Jie, 36 tuổi, sống tại vùng nông thôn tỉnh Tứ Xuyên bày tỏ: “Cải cách khiến con trai 10 tuổi của tôi gặp bất lợi. Tôi rất lo trong tương lai, con không thể cạnh tranh với các đồng nghiệp đến từ các thành phố lớn nhưng tôi không thể làm gì giúp cháu”.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

EU trên đường 'cai' khí đốt Nga

GD&TĐ - Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hơn 3 năm trước, khối EU đã thực hiện lộ trình 'cai dần' nguồn khí đốt Nga.