Trung Quốc: Trung tâm đào tạo lập trình máy tính có sức hút lớn

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ huynh tại Trung Quốc gửi con tới những trung tâm đào tạo lập trình máy tính khi trẻ còn rất nhỏ. Đây được cho là một nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng số lượng các tổ chức giáo dục lập trình, khiến giá trị của thị trường này ở Trung Quốc tăng mạnh chỉ trong vòng 3 năm.

Nhiều em nhỏ được học lập trình khi mới 3 tuổi
Nhiều em nhỏ được học lập trình khi mới 3 tuổi

Học lập trình từ khi chưa đến trường

Vita - một cậu bé Trung Quốc mới 8 tuổi đang bắt đầu đăng nhập vào một bài giảng lập trình trực tuyến. Điều đặc biệt là, Vita đang thực hiện lập trình với tư cách là một giáo viên.

Kể từ tháng 8, cậu bé 8 tuổi này đã thiết lập một kênh hướng dẫn lập trình máy tính trên trang web phát video trực tuyến của Trung Quốc – Bilibili. Cho đến nay, kênh của Vita đã thu hút được gần 60.000 người theo dõi và hơn một triệu lượt xem.

Không chỉ riêng Vita, ngày càng có nhiều trẻ em ở Trung Quốc đang học lập trình máy tính trước cả khi đến tuổi học tiểu học. Xu hướng này được thúc đẩy bởi các bậc cha mẹ tại nước này, khi họ cho rằng, các kỹ năng lập trình sẽ rất cần thiết cho thanh thiếu niên Trung Quốc bởi sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ.

“Lập trình máy tính không dễ dàng, nhưng cũng không hề khó. Hoặc, ít ra là môn học này không khó như mọi người vẫn tưởng”, cậu bé Vita đến từ Thượng Hải cho biết.

Thông qua kênh trực tuyến của mình và ứng dụng lập trình do Apple thiết kế có tên Swift Playgrounds, cậu bé 8 tuổi này đã từng bước thu nhận được nhiều học sinh - những thanh thiếu niên chủ yếu là người lớn tuổi hơn Vita.

Chia sẻ với truyền thông, thầy giáo nhỏ tuổi này tiết lộ, đôi khi cậu cố ý mắc lỗi trong quá trình dạy học, nhằm giúp người học nắm bắt và ghi nhớ được những lỗi sai phổ biến và sau đó rút kinh nghiệm.

“Khi em đang giảng dạy cũng đồng nghĩa với việc em đang được học thêm những điều mới mẻ”, Vita nói thêm.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào robot và Trí tuệ nhân tạo (AI). Năm 2017, chính phủ nước này đã đặt ra kế hoạch phát triển AI, bao gồm cả việc đề xuất đưa các khóa học lập trình vào giảng dạy ở cả trường tiểu học và trung học.

Năm ngoái, nước này đã xuất bản sách giáo khoa AI đầu tiên. Thậm chí, chính quyền tỉnh Chiết Giang còn đưa chương trình này trở thành một môn học trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. Đối với Vita, cha của cậu - ông Zhou Ziheng, chính là người đã hỗ trợ và chỉnh sửa video, cũng như giúp cậu bé điều hành kênh trực tuyến.

Ông Zhou - một dịch giả sách khoa học và công nghệ, đã bắt đầu dạy con trai mình lập trình máy tính khi Vita mới 5 tuổi. “Tôi đã học lập trình khi còn trẻ, vì vậy tôi luôn tin rằng, Vita học điều đó ở tuổi này là điều bình thường”, ông nói.

Khi Vita lên 4, cậu và cha bắt đầu chơi một số trò chơi liên quan đến lập trình, sử dụng các biểu tượng để thay thế mã. Sau khi thấy con trai mình có khả năng tốt trong quá trình chơi những trò này, ông Zhou quyết định để Vita làm việc với một số mã thực sự.

Mùa hè vừa qua, Vita đã khiến ông Zhou vô cùng bất ngờ khi có thể viết lại thành công các mã trong một ứng dụng. “Tôi đã đề nghị Vita quay lại cách mà thằng bé viết các mã”, ông Zhou chia sẻ và cho biết, ý tưởng về lớp học trực tuyến ra đời kể từ đó.

Sau những đoạn video hướng dẫn, hầu hết cư dân mạng đều thể hiện sự ngạc nhiên khi Vita có thể viết mã và thậm chí là dạy cho người khác khi ở độ tuổi trẻ như vậy.

Bùng nổ trung tâm lập trình

Tại Trung Quốc, những bậc phụ huynh không có khả năng lập trình máy tính có thể gửi con em của mình đến các cơ sở GD lập trình. Số lượng những tổ chức này đang ngày càng nhiều bởi nhu cầu cao từ các gia đình trung lưu - những người muốn xây dựng cho con mình những kỹ năng tốt nhất.

Theo Analysys, một công ty phân tích Internet Trung Quốc, giá trị của thị trường GD lập trình dành cho trẻ em ở Trung Quốc trong năm 2017 là 7,5 tỷ nhân dân tệ (hơn 1 tỷ USD). Tuy nhiên, con số này được dự kiến vượt quá 37,7 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020.

“GD lập trình tại trường công ở Trung Quốc thường bắt đầu rất muộn so với các nước phát triển khác. Vì vậy, tổ chức đào tạo ngoài giờ học của chúng tôi sẽ bù đắp cho sự thiếu sót này”, ông Pan Gongbo, Tổng Giám đốc của Tongcheng Tongmei, một trung tâm GD lập trình có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.

Cũng theo ông Pan, HS nhỏ tuổi nhất của trung tâm này chỉ mới 3 tuổi. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, Tongcheng Tongmei sẽ cung cấp một chương trình đặc biệt, bao gồm các hoạt động như lắp Lego bằng cách sử dụng kiến thức và kỹ năng lập trình.

Cậu bé Ji Yingzhe (10 tuổi) đã học ngôn ngữ lập trình Python trong vòng nửa năm tại trung tâm này. Trước đó, Ji cũng từng tham gia một khóa học kéo dài một học kỳ về kiến thức căn bản để chế tạo robot – môn học mà cậu bé cho rằng quá đơn giản. “Các mã đã được viết cho bạn và tất cả những gì bạn phải làm là sắp xếp các khối mã này theo thứ tự”, Ji nói.

Cha của Ji đã cho cậu bé đi học lập trình bởi cậu từng dành quá nhiều thời gian vào chơi trò chơi điện tử. Sau các khóa học, che mẹ Ji cho biết, cậu sẽ chỉ được chơi điện tử nếu đó là trò chơi do chính Ji tạo ra.

Tháng 11 vừa qua, cậu bé 8 tuổi Vita đã tham gia một cuộc thi lập trình dành cho HS tiểu học, được tổ chức bởi Hiệp hội Công nghiệp Máy tính Thượng Hải. Cậu đã học ngôn ngữ lập trình C ++ trong suốt 2 tháng để chuẩn bị cho cuộc thi và đi đến vòng cuối cùng, dù là một trong số những người nhỏ tuổi nhất tham gia.

Chia sẻ với truyền thông, cha của Vita – ông Zhou cho biết, tương lai cậu bé sẽ phụ thuộc vào mối quan tâm và khả năng của chính cậu. “Tôi nói với thằng bé rằng, con chưa làm được điều gì đáng chú ý cả. Đây chỉ là một bước đầu trong quá trình học lập trình thôi”, ông Zhou nói.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.