Trung Quốc triển khai tên lửa “diệt hạm” sau khi tàu Mỹ tới biển Đông

GD&TĐ - Đầu tuần này, một khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường của Mỹ đã tiến hành một nhiệm vụ “tự do hàng hải” ở gần quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh đã có hành động phản ứng với việc này.  

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ đã tới biển Đông
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ đã tới biển Đông

Quân đội Trung Quốc đã huy động tên lửa chống hạm tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mới DF-26 tới cao nguyên phía tây bắc xa xôi. Hành động này được cho là đáp trả hành trình của tàu khu trục Mỹ - hãng tin Global Times cho biết khi dẫn nguồn từ Đài truyền hình Trung ương quốc gia (CCTV).

Thông tin trên không nói chính xác thời điểm những tên lửa trên được huy động hay việc triển khai này là lâu dài hay chỉ trong một cuộc huấn luyện. Tuy nhiên, Global Times nhấn mạnh rằng, trong bất kỳ trường hợp nào, những tên lửa đã được triển khai và “có khả năng hoạt động khắp cả nước”

Bình luận về vấn đề trên, một nhà quan sát quân sự giấu tên giải thích rằng “thậm chí khi được phóng từ những khu vực sâu trong đất liền Trung Quốc, DF-26 có tầm xa đủ để bao phủ biển Đông”.

Hôm 7/1, Hải quân Mỹ đã tiến hành một nhiệm vụ “tự do hàng hải” ở biển Đông khi đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell tới gần quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp.

Lực lượng tên lửa Quân đội Giải phóng Trung Quốc (PLARF) đã đưa vào sử dụng tên lửa DF-26 vào tháng 4/2018 và liên tục khoe loại tên lửa có biệt danh “Sát thủ đảo Guam” (vì khả năng tấn công căn cứ Hải quân Mỹ) trong các cuộc diễu binh ở Bắc Kinh và khu tự trị Nội Mông. Loại tên lửa hoạt động bằng nhiên liệu rắn này có tầm xa ước tính 4.500km.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ