Trung Quốc: Thầy giáo bỏ việc, dạy học cho trẻ bị bỏ rơi

GD&TĐ - Từng tìm được việc làm tốt trên thành phố, thầy giáo Zhang Pengcheng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Erlangmiao, tỉnh Hà Nam, bỏ việc, về quê nghèo dạy học cho những đứa trẻ bị bỏ rơi.

Thầy Zhang dạy học sinh môn Tiếng Anh.
Thầy Zhang dạy học sinh môn Tiếng Anh.

 Đối với những đứa trẻ này, thầy Zhang như người cha thứ hai.

Đầu tháng 9, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền video cô bé Zhang Xiaoxiao, học sinh Trường Tiểu học Erlangmiao, ăn cơm trưa tại trường. Em ăn hết rau, cơm nhưng món tôm ngon lành lại không hề động đũa.

Khi được hỏi lý do, cô bé nở nụ cười cho biết để phần tôm mang về cho mẹ Hu Mingjun, đang đau ốm. Hiện nay, mẹ của em ở nhà nội trợ, không thể làm việc nặng. Thu nhập của gia đình trông chờ vào người bố làm công nhân. Tấm lòng hiếu thảo của cô bé Xiaoxiao khiến cộng đồng mạng Trung Quốc vô cùng xúc động.

Dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ là một trong những bài học quan trọng tại Trường Tiểu học Erlangmiao, “mái ấm” của hơn 180 học sinh, trong đó nhiều em bị cha mẹ bỏ rơi. Các em sống trong trường, lớn lên nhờ sự chăm sóc, quan tâm của thầy cô giáo và Hiệu trưởng Zhang Pengcheng.

Sinh ra trong gia đình có cha là giáo viên, thầy Zhang vốn chăm chỉ học hành, đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy rời làng quê nhỏ tại tỉnh Hà Nam lên thành phố kiếm sống. Trong khi công việc đang dần ổn định, thầy tình cờ bắt gặp những đứa trẻ lang thang ngoài đường phố do bị cha mẹ bỏ rơi.

Thương cảm trước số phận của các em, thầy Zhang quyết định bỏ việc, về quê dạy học và thu nạp những đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Thầy hiệu trưởng mong muốn những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn được học hành đến nơi đến chốn, dù ở làng quê nghèo.

Bên cạnh các khoản trợ cấp của chính phủ, thầy Zhang tự bỏ tiền túi để mua thực phẩm như tôm, thịt bò cho học sinh. Đối với một số trẻ em nghèo, bữa trưa ở trường đã trở thành bữa ăn ngon nhất trong ngày.

Nhờ sự nỗ lực của thầy giáo qua hàng thập kỷ, Trường Tiểu học Erlangmiao đã mở rộng từ khoảng 30 lên hơn 180 học sinh. Ngôi trường có 10 giáo viên nên thầy Zhang thường làm thêm công việc lắp đặt, sửa điện và nấu ăn. Ngoài ra, thầy dạy môn Tiếng Trung và Tiếng Anh.

Ở trường, thầy Zhang nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh. Thầy được các học sinh gọi thân thương là “người cha hiệu trưởng” hay “ông nội hiệu trưởng”.

Thầy Zhang bày tỏ: “Nếu một đứa trẻ chưa được cảm hóa, làm sao các em có thể chia sẻ tình yêu, lòng đồng cảm với mọi người xung quanh. Và nếu chưa nhận được tình yêu thương, chưa được đối xử dịu dàng, các em sẽ khó có thể yêu thương xã hội. Tại trường, tôi muốn các em nhận được những điều tốt đẹp nhất có thể”.

Theo thầy Zhang, những đứa trẻ còn một chặng đường dài phía trước và khởi đầu thuận lợi rất quan trọng với các em. Dù tương lai theo đuổi công việc nào, các em có thể gặt hái thành công nếu được giáo dục đúng cách.

Hiện nay, điều khiến thầy Zhang trăn trở là học sinh không được học các môn Thể thao, Âm nhạc và Nghệ thuật đặc biệt do trường thiếu giáo viên. Thầy giáo hy vọng trong thời gian tới, học sinh được trải nghiệm nhiều môn học thú vị, bổ ích.

Khi câu chuyện của cô bé Xiaoxiao nổi tiếng trên mạng xã hội, cộng đồng đã quyên góp thực phẩm, quần áo mới và đồ dùng cho trường học. Một số tình nguyện viên đã tổ chức các khóa học ngắn hạn bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh nhà trường.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...