Nhiều gia đình trung lưu ở quốc gia tỷ dân này muốn con họ tiếp xúc với nền giáo dục phương Tây chỉ còn cách cho đi du học.
Tăng cường kiểm soát
Mới đây, một trường tư thục uy tín của Anh là Trường Quốc tế Harrow ở Hải Nam đã thông báo với phụ huynh về việc học sinh phải được dạy chương trình tiếng Trung từ lớp 1 đến lớp 9. Trong khi đó, học sinh THCS phải vượt qua một bài thi của nhà nước đưa ra để tốt nghiệp.
Một thành viên trong nhóm tuyển sinh của trường cho biết, sự thay đổi đột ngột này đã như một hồi chuông báo động đối với các trường quốc tế. Điều này có nghĩa là học sinh sẽ phải học thêm các môn Lịch sử, Chính trị và Địa lý trong chương trình chính thức bên cạnh chương trình quốc tế.
Thành viên này cho biết, chính sách giáo dục đã thay đổi đáng kể trong năm nay ở Trung Quốc và các trường quốc tế phải tuân thủ các yêu cầu của chính phủ. Đến nay, học sinh trường quốc tế chưa bị bắt buộc phải vượt qua kỳ thi đầu vào đại học của Trung Quốc, nhưng nhà trường đã chuẩn bị trước và điều chỉnh giáo trình cho học sinh trung học của mình.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc cố gắng khơi dậy lòng yêu nước trong thế hệ trẻ. Họ đã đưa ra các biện pháp hạn chế mới đối với lĩnh vực giáo dục tư nhân vốn mang lại nhiều lợi nhuận, bất chấp nhu cầu mạnh mẽ của các gia đình trung lưu đối với giáo dục nước ngoài.
Phó Giám đốc Xiong Bingqi của Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 có trụ sở tại Thượng Hải cho biết, Trung Quốc đang thắt chặt việc kiểm soát các trường học cung cấp chương trình giảng dạy quốc tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định của học sinh và phụ huynh, một số người sẽ chọn cho con đi du học ở độ tuổi trẻ hơn.
Đại diện Trường Harrow cho biết, trong bối cảnh lo ngại các quy định mới ở Hải Nam sẽ lan sang các nơi khác của đất nước, một số phụ huynh đang tìm kiếm hộ chiếu nước ngoài thông qua việc di cư đầu tư. Theo chính phủ, việc học về đạo đức theo truyền thống Trung Quốc, luật pháp, các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi và lịch sử Đảng Cộng sản là những thành phần thiết yếu của giáo dục.
Vào tháng 5, Trung Quốc đã thông qua các quy định mới thắt chặt sự giám sát của nhà nước đối với các trường tư thục và hạn chế các trường nước ngoài trong lĩnh vực này.
Theo Quy định về việc thực hiện Luật khuyến khích giáo dục tư thục, các trường quốc tế sẽ không được cấp giấy phép mới nếu không đáp ứng được chương trình dạy học theo quy định của chính phủ.
Các trường tư thục do Trung Quốc điều hành giảng dạy chương trình giáo dục bắt buộc cũng bị cấm sử dụng sách giáo khoa nước ngoài. Riêng các trường tư thục dạy lớp 10 - 12 vẫn có thể tiếp tục cung cấp chương trình giảng dạy quốc tế.
Kể từ khi thay đổi luật, Trường Quốc tế Harrow ở Hải Nam là cơ sở tư thục đầu tiên được chính quyền tỉnh cấp giấy phép để tiếp tục các chương trình quốc tế dành cho học sinh cuối cấp THPT.
Phụ huynh “tiến thoái lưỡng nan”
Một nhà tư vấn ở Quảng Đông tên là Alice Tan chuyên giúp người Trung Quốc nộp đơn vào các trường học ở nước ngoài. Bà cho rằng, các quy định mới của chính phủ có tác động rất lớn đối với học sinh chuẩn bị đi du học.
Vì vậy, ngày càng nhiều trường trung học ở các thành phố đang hủy bỏ các khoa quốc tế của họ. Bên cạnh đó, giáo viên nước ngoài ngày càng khó xin được thị thực làm việc. Do chính sách ngày càng không chắc chắn, số lượng sinh viên đại học Trung Quốc đi du học có thể sẽ giảm trong vài năm tới.
Một phụ huynh tên là Kou Yue ở Quảng Đông cho biết, những thay đổi nhanh chóng này làm thay đổi kế hoạch của gia đình cô. Ban đầu, cô định cho con gái 10 tuổi học trường quốc tế vào năm sau để con được tiếp cận với chương trình hiện đại. Sau đó, cô sẽ cho con du học tại một trường đại học ở nước ngoài.
“Bây giờ, chúng tôi gặp một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Với một trường quốc tế ở trong nước, bé sẽ phải học cả các khóa học tiếng Trung và ngoại ngữ, điều này khiến áp lực của bé trở nên nặng nề. Nhưng nếu bé đi du học ở độ tuổi còn nhỏ như vậy, gia đình sẽ có thêm áp lực tài chính và lo lắng hơn. Có lẽ tôi phải từ bỏ ý định này và để con học tại trường công lập địa phương” – cô Kou Yue nói.
Trong khi đó, một nhân viên ngân hàng tên là Jolin Zhuang ở Bắc Kinh cho biết, cô rất bất ngờ sau khi hỏi một số trường quốc tế về giáo trình tiểu học của họ. Một số trường cho biết, họ sẽ cung cấp các khóa học tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục. Trong khi đó, một số trường lại có chương trình giảng dạy kết hợp, có thể là chương trình giảng dạy ở trường công cùng với các khóa học tiếng Anh.
“Trước đây, tôi dự định cho con trai ra nước ngoài sau khi cháu tốt nghiệp trung học. Nếu con không thể tiếp cận nền giáo dục mà chúng tôi mong muốn từ một trường quốc tế ở Bắc Kinh, có thể gia đình sẽ thực hiện kế hoạch cho con du học sớm hơn” - Jolin Zhuang cho biết.
Theo nền tảng dịch vụ cho trường quốc tế ở Trung Quốc có tên NewSchool Insight Media, hơn 900 trường quốc tế đăng ký với cơ quan giáo dục của Trung Quốc vào năm ngoái, trong đó có khoảng 110 trường chỉ nhận học sinh nước ngoài.
Đầu tháng 11 vừa qua, một trong những trường tư thục danh tiếng nhất của Anh là Westminster cho biết, họ sẽ bỏ trường học nước ngoài đầu tiên của mình ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên sau 4 năm bắt đầu dự án. Trường đã hoàn thành việc xây dựng khuôn viên và sẽ mở cửa vào năm nay. Đây là trường đầu tiên trong số 6 cơ sở giáo dục song ngữ ở Trung Quốc.
Ông Mark Batten - Chủ tịch cơ quan quản lý của Trường Westminster tại Thành Đô - cho biết, đại dịch Covid-19 và “những thay đổi gần đây trong chính sách giáo dục của nước sở tại” đã buộc nhà trường phải hủy bỏ toàn bộ dự án.