Đối phó với “khủng hoảng nam sinh”
Đầu tháng 11, Nhà xuất bản Giáo dục Thượng Hải ra mắt cuốn sách giáo khoa có tựa đề Xiaoxiao Nanzihan (nam nhi), nhằm giúp nam sinh lớp 4 và lớp 5 hiểu về tâm sinh lí tình dục và tăng khả năng tự bảo vệ.
Cuốn sách giáo khoa, tập trung và sức khỏe tâm thần của nam sinh, được xuất bản trong bối cảnh tranh luận nóng bỏng toàn quốc về cái gọi là “khủng hoảng ở nam sinh”. Một hiện tượng đã được nhìn nhận từ lâu, khủng hoảng ở nam sinh đề cập tới khuynh hướng nam sinh thiếu nam tính và bị mờ nhạt và phủ bóng bởi nữ sinh ở các trường tiểu học và THCS.
“Cho tới nay, chúng tôi đã nhận được những ý kiến tích cực từ các chuyên gia, hiệu trưởng, phụ huynh và nhiều trường học bày tỏ quan tâm tới cuốn sách này” – theo cô Zhong Xiangyang, cán bộ Phòng GD Jingan, Thượng Hải, nơi đề xuất biên soạn cuốn sách này – “Sách đã được dạy tại một số trường tiểu học ở Jingan và một vài nơi khác và chúng tôi đang nhân rộng hơn nữa”.
Với 6 chương và rất nhiều hình ảnh màu minh họa, cuốn sách giáo khoa đề cập tới nhiều kiến thức cơ bản gồm: “Nam và nữ khác nhau thế nào?”; “Tại sao tôi là trai và không phải là gái?”; “Bố có ý nghĩa thế nào với con trai?” hay “Tại sao chúng ta cần hiểu biết về đầu tư và quản lí tiền bạc?”…
Cuốn sách được kì vọng giúp nam sinh thảo luận cởi mở hơn những câu hỏi mà chúng có thể không dám thổ lộ trong cuộc sống hàng ngày – Nhà xuất bản Giáo dục Thượng Hải cũng cho biết những học sinh học cuốn SGK này sẽ được tách khỏi nữ sinh cùng lớp và học trong phòng riêng.
Phản hồi tích cực
“Giáo dục giới là rất cần thiết và tích cực” – Zhu Huafang, bà mẹ có con trai học lớp 3 nêu ý kiến ủng hộ cuốn SGK mới. Hiện nay, cả trai và gái đều phát triển tâm sinh lí từ tuổi nhỏ hơn và chúng có thể rất tò mò – Zhu, cũng là một giáo viên tiểu học, giải thích thêm. Ví dụ con trai Zhu thỉnh thoảng đặt câu hỏi như: “Bộ phận sinh dục nữ thế nào?” – những câu hỏi kiểu này khiến Zhu cảm thấy khó xử. “Tôi không biết trả lời thằng bé thế nào. Thay vì để cho thằng bé vào mạng Internet tìm câu trả lời thích hợp, tại sao không tìm hiểu từ SGK?” – Zhu nói.
Đây không phải nỗ lực đầu tiên của thành phố tháo gỡ khủng hoảng ở bé trai. Năm 2012, khu trại chỉ dành riêng cho nam sinh đầu tiên được lập nên tại Trường Trung học số 8 Thượng Hải – giúp nam sinh nâng cao thành tích học tập và xây dựng nam tính.
Li Ruomeng, 19 tuổi, một học viên của lớp học toàn con trai giờ là sinh viên năm thứ nhất tại một học viện âm nhạc tại Đức, ủng hộ ý tưởng giáo dục giới tính từ khi nhỏ tuổi. “Nội dung giáo dục này cần được dạy trong giai đoạn hình thành nhân cách và tôi tin rằng sách giáo khoa mới sẽ đóng một vai trò tích cực” – Li nói.
Được hỏi đã học được gì từ lớp học toàn con trai, Li cho biết các hoạt động thể thao, kĩ năng sinh tồn giúp Li phát triển toàn diện. Trong một số tiết, nam sinh được làm quen với những khác biệt văn hoá và học cách ứng xử của một người đàn ông lịch thiệp. “Ví dụ, giờ đây tôi biết một người đàn ông lịch thiệp cần kéo ghế cho phụ nữ ngồi ở bàn ăn” – Li cho biết thêm.
Nhà xuất bản Giáo dục Thượng Hải đang tiếp tục biên soạn và sẽ sớm xuất bản SGK dành cho nữ sinh.