Tổng bí thư Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc cần kiên quyết chống lại nạn tham nhũng và lạm dụng quyền lực của những cán bộ cao cấp. Theo tinh thần này, trong vòng 9 tháng nay, không ít những vị “tai to mặt lớn” trở thành đối tượng xem xét của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung Quốc.
Chỉ trong vòng 9 tháng sau đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có 9 cán bộ cấp cao của Trung Quốc bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Ủy viên Trung ương Đảng Tưởng Khiết Mẫn là một trong số đó.
Theo tin của Bộ Giám sát Trung Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước (SASAC), Phó bí thư Đảng ủy Tưởng Khiết Mẫn đang bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Trước khi sang làm chủ nhiệm SASAC, ông Tưởng Khiết Mẫn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc.
Ông Tưởng Khiết Mẫn là cán bộ cấp cao “ngã ngựa” đầu tiên trong Chính phủ Trung Quốc nhiệm kỳ này, đồng thời cũng là Ủy viên Trung ương đầu tiên của Trung Quốc bị điều tra sau Đại hội 18.
Ông Tưởng Khiết Mẫn |
Những đầu mối trước khi bị điều tra
Khoảng 21 giờ ngày chủ nhật 1/9/2013, tin đầu của website SASAC vẫn là bài viết kèm ảnh có nhan đề Tưởng Khiết Mẫn thăm và làm việc tại tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc. Theo bản tin này, ngày 27/8 Tưởng Khiết Mẫn đến khảo sát và làm việc tại đây, đây cũng là lần công khai lộ diện gần đây nhất của ông.
Trên thực tế, những lời đồn đại về việc Tưởng Khiến Mẫn bị điều tra đã xuất hiện từ lâu. Tháng 9/2012, khi còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc, đã từng có công dân mạng tung tin về sự mất tích bí ẩn của vị Chủ tịch này. Và đúng là có khoảng 1 tháng, ông Tưởng Khiết Mẫn không xuất hiện trong các dịp công khai.
Tuy nhiên trong Đại hội 18 năm 2012 của Trung Quốc, ông Tưởng Khiết Mẫn được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương khóa 18. Sau đó, tháng 3/2013, từ vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc, Tưởng Khiết Mẫn được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm SASAC kiêm Phó bí thư Đảng ủy. Người cùng ông Tưởng Khiết Mẫn đóng vai trò lãnh đạo SASAC là ông Trương Nghị - Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm SASAC vốn là bí thư Đảng ủy khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ.
Lần bổ nhiệm này khiến người của SASAC khá bất ngờ. Kể từ khi SASAC được thành lập từ năm 2003 đến nay, chỉ trong 2 năm đầu xuất hiện tình trạng “hai thủ trưởng”. Khi đó, ông Lý Vinh Dung làm Chủ nhiệm, ông Lý Nghị Trung làm Bí thư Đảng ủy. Tháng 2/2005, sau khi ông Lý Nghị Trung lên làm Cục trưởng Tổng cục Giám sát và quản lý sản xuất an toàn quốc gia, Chủ nhiệm và Bí thư đảng ủy SASAC chỉ do một người đảm nhận.
Có phân tích chỉ ra rằng, trong lần bổ nhiệm này đối với ông Tưởng Khiết Mẫn có thể đã xuất hiện một số dấu hiệu khá bất thường, có thể Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã để tâm đến những lời đồn đại về ông Tưởng Khiết Mẫn, chỉ có điều vẫn chưa nắm được đầy đủ các bằng chứng, và cũng không muốn rút dây động dừng nên mới có sự sắp xếp như vậy. Đồng thời, cũng là vì muốn bảo vệ cán bộ, đảm bảo sự liên tục trong công tác khi chưa đủ bằng chứng chứng tỏ cán bộ vi phạm kỷ luật.
Phân tích này chỉ ra rằng, rõ ràng việc sắp xếp nhân sự là ông Trương Nghị với vai trò là người đồng cấp với ông Tưởng Khiết Mẫn cũng có sự xem xét kỹ lưỡng. Từ năm 1992, ông Trương Nghị đã làm việc trong lĩnh vực giám sát kiểm tra kỷ luật, đến năm 2007 đảm nhiệm vị trí Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc.
Tháng 7/2010, từ Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, ông Trương Nghị được điều về làm Bí thư Đảng ủy khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, tháng 3/2013 lại trở về Bắc Kinh đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm SASAC.
Cơn bão chống tham nhũng tràn sang lĩnh vực dầu khí
Ở vị trí Chủ nhiệm SASAC chưa đầy nửa năm, ông Tưởng Khiết Mẫn đã bị “ngã ngựa”. Dư luận cho rằng, vấn đề vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của ông Tưởng Khiết Mẫn không phải xuất hiện trong giai đoạn làm chủ nhiệm SASAC mà trước đó.
Hồ sơ của ông Tưởng Thiết Mẫn cho thấy, ông này sinh năm 1955, năm 17 tuổi bắt đầu vào làm việc ở mỏ dầu Thắng Lợi. Ngoài giai đoạn 2000 - 2004 điều động công tác lên Thanh Hải, ông Tưởng Khiết Mẫn luôn làm việc trong ngành dầu mỏ. Năm 2006 đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Công ty TNHH khí thiên nhiên thuộc Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc, từ năm 2007 đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn này.
Trước khi ông Tưởng Khiết Mẫn bị điều tra, đã có 4 lãnh đạo tập đoàn dầu khí Trung Quốc – cấp dưới của ông Tưởng lần lượt bị tuyên bố tiếp nhận điều tra của cơ quan có thẩm quyền, các thông tin này đã gây chấn động lớn trong công nhân viên chức, dư luận Trung Quốc cho rằng cơn bão chống tham nhũng của Trung Quốc đã tràn sang lĩnh vực dầu khí. Nhiều nhân vật "cộm cán" đã bị tuyên bố là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng và đang chịu sự điều tra của cơ quan điều tra.
Nguồn tin cho biết, tháng 3/2013, sau khi rời Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc và lên làm chủ nhiệm SASAC, cơ quan kiểm toán Trung Quốc đã tiến hành kiểm toán đối với ông này trong thời gian nắm quyền theo quy định.
Tháng 11/2006, ông Tưởng Khiết Mẫn tiếp quản chức Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc. Theo quy định, thời gian cần kiểm toán là từ năm 2006 đến 2013 (tức 7 năm đương nhiệm), nhưng trong lần kiểm toán này đối với ông Lý Khiết Mẫn, thời gian kéo dài 10 năm, hoạt động kiểm toán này còn đề cập đến một số lời đồn đại và những sự kiện nhạy cảm mà báo chí nước ngoài đưa tin dính líu đến ông Tưởng Khiết Mẫn.
Trung Quốc liên tiếp tung đòn “đánh hổ lớn”
Kể từ Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc trở lại đây, chỉ trong hơn 9 tháng đã có 9 cán bộ cấp tỉnh của Trung Quốc bị điều tra vì tham nhũng, trong đó có 1 Ủy viên Trung ương (Tưởng Khiết Mẫn), 2 Ủy viên dự khuyết (Lý Xuân Thành, Vương Vĩnh Xuân).
Tại Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tưởng Khiết Mẫn được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương. Do đó, ông này đã trở thành Ủy viên Trung ương đầu tiên bị “ngã ngựa” , đồng thời cũng là Ủy viên Trung ương bị điều tra trong thời gian sớm nhất sau khi dàn lãnh đạo mới của Trung Quốc lên nắm quyền kể từ sau cải cách mở cửa.
Tháng 1/2013, Tổng Bí thư Tập Cận Bình chỉ ra rằng, Trung Quốc cần hết sức kiên quyết trong công tác chống tham nhũng, trị cả “ruồi” lẫn “hổ”. Sau đó, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung Quốc đã liên tiếp “tung đòn”, thể hiện rõ thái độ cứng rắn trong công tác chống tham nhũng, nhiều cán bộ cấp tỉnh bị song quy.
Đáng chú ý nhất là ngày 23/6, 30/6 và 6/7, trong 3 tuần liên tiếp, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung Quốc tuyên bố điều tra tham nhũng với 3 lãnh đạo cấp Thứ trưởng là Quách Vĩnh Tường, Vương Tố Nghị, Lý Đạt Cầu. Dư luận Trung Quốc thực sự xôn xao vì “mỗi tuần điều tra một thứ trưởng”.
Tháng 12/2012: Ông Lý Xuân Thành - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng Tháng 5/2013: Ông Lưu Thiết Nam - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng Tháng 6/2013: Ông Nghê Phát Khoa - Nguyên Phó tỉnh trưởng tỉnh An Huy bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng Tháng 6/2013: Ông Quách Vĩnh Thường – Nguyên Phó tỉnh trưởng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thương vụ HĐND tỉnh Tứ Xuyên, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tứ Xuyên bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng Tháng 5/2013: Ông Vương Tố Nghị - Nguyên Thường vụ Đảng ủy khu tự trị Nội Mông bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng Tháng 7/2013: Ông Lý Đạt Cầu – Nguyên Phó Chủ tịch Chính hiệp khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Nguyên Chủ tịch công đoàn khu tự trị bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng Tháng 8/2013: Ông Vương Vĩnh Xuân – Nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu mỏ khí thiên nhiên Trung Quốc, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH mỏ dầu Đại Khánh Quốc bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng Tháng 8/2013: Ông Lý Hoa Lâm – Nguyên Phó Tổng giám đốc tập đoàn dầu mỏ khí thiên nhiên Trung Quốc bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng Tháng 9/2013: Ông Tưởng Khiết Mẫn - Chủ nhiệm, Phó bí thư Đảng ủy Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC) bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. |
Theo Huy Long (Tiền Phong)